YBĐT – Trong những năm qua, công tác an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ – PCCN) đã được các cấp, các ngành, các địa phường, các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp… trên địa bàn tỉnh Yên Bái tích cực hưởng ứng.
Thông qua đợt cao điểm trong tuần lễ phát động và duy trì thường xuyên trong cả năm, với các giải pháp: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ đã từng bước nâng cao nhận thức, hành vi của người sử dụng lao động và người lao động. Tại những địa phương hiện đang có các hoạt động lao động liên quan đến sử dụng vật liệu nổ, vận hành các trang thiết bị hiện đại, cũng như lao động trong môi trường độc hại, nặng nhọc trong trong khai thác chế biến khoáng sản…
Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan đơn vị cũng chủ động nguồn kinh phí để cải tiến dây chuyền sản xuất, cải thiện điều kiện lao động, giảm thiểu tác động môi trường, hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Bên cạnh đó ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã có nhiều giải pháp nhằm triển khai tốt các hoạt động nâng cao nhận thức cho lao động, người sử dụng lao động, cán bộ phụ trách công tác an toàn lao động ở cơ sở, doanh nghiệp… mà công tác ATVSLĐ – PCCN trên địa bàn đã có những chuyển biến theo hướng tích cực.
Bên cạnh kết quả đạt được, do công tác tuyên truyền giáo dục, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế; ý thức tự giác chấp hành các quy định về ATLĐ – PCCN của một số tổ chức, doanh nghiệp và cả người lao động vẫn chưa cao, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở chế biến, hộ cá thể… vì mục tiêu lợi nhuận nên không quan tâm đầu tư trang thiết bị bảo hộ lao động, PCCN cho sản xuất kinh doanh; một bộ phận không nhỏ người lao động mới vào làm việc trong các ngành đặc thù chưa nắm được hoặc vẫn tỏ ra coi thường những quy định về ATVSLĐ – PCCN … Vì vậy, thiệt hại do tai nạn lao động và cháy nổ vẫn diễn ra và ngày càng có xu hướng gia tăng.
Theo thống kê trong năm 2012, trên địa bàn tỉnh xảy ra 28 vụ tai nạn lao động làm 8 người chết và 21 người bị thương nặng; 52 vụ cháy, gây thiệt hại tài sản trị giá trên 22 tỷ đồng. Và trong năm 2013, trên địa bàn tỉnh xảy ra 28 vụ tai nạn lao động (trong đó có 15 tai nạn giao thông được coi là tai nạn lao động) làm 24 người bị thương, 4 tử vong và 62 vụ cháy (nhà dân 45 vụ, cơ quan doanh nghiệp 8 vụ, cháy rừng, đồi cây 6 vụ) làm chết 1 người, gây tổng thiệt hại trên 4 tỷ đồng.
Để khắc phục những tồn tại trên và hướng tới Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ – PCCN thứ 16 năm 2014, với chủ đề “Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc” vào giữa tháng 3. Các cấp, các ngành cần tập trung quán triệt Chỉ thị 29 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật Lao động, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng cháy và chữa cháy…; đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra đôn đốc của các cấp, các ngành nhằm nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động với công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ, chú trọng công tác hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác này đối với người sử dụng lao động và cán bộ làm công tác này trong các thành phần kinh tế.
Ngoài ra, lãnh đạo các doanh nghiệp, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải chủ động tìm hiểu, nghiên cứu chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về lĩnh vực này để triển khai tại doanh nghiệp mình, đơn vị mình.
Hà Tĩnh