YênBái – YBĐT – Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có 180 xã, phường, với 2.338 thôn bản, tổ dân phố, phần lớn các thôn bản được thành lập đều đảm bảo các tiêu chí trung ương quy định và phù hợp với địa bàn dân cư.
Thôn bản, tổ dân phố (gọi chung là thôn) không phải là một cấp hành chính Nhà nước mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, nơi thực hiện quyền dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản và tổ chức nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao.
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tổ chức thôn bản ở Yên Bái từng bước được củng cố và phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 180 xã, phường, với 2.338 thôn bản, tổ dân phố, chia ra: thành phố Yên Bái 460, Lục Yên 298, Yên Bình 277, Văn Chấn 351, Văn Yên 358, Trấn Yên 280, Nghĩa Lộ 121, Mù Cang Chải 124, Trạm Tấu 69. Phần lớn các thôn bản được thành lập đều đảm bảo các tiêu chí trung ương quy định và phù hợp với địa bàn dân cư.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, tổ chức thôn bản đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển KT – XH của địa phương. Đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới hiện nay, tổ chức thôn bản giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tổ chức các hoạt động hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, phòng chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.
Năm 2004, HĐND tỉnh Yên Bái đã thông qua Nghị quyết số 11 quy định số lượng và mức phụ cấp của cán bộ không chuyên trách cấp xã và thôn. Cho đến nay, tỉnh đang thực hiện chi trả phụ cấp cho đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố như sau: bí thư chi bộ kiêm nhiệm trưởng thôn 140.000 đồng/tháng; trưởngthôn 100.000đồng/tháng; tổ trưởng tổ dân phố 80.000đồng/tháng.
Mức phụ cấp này thực tế mới chỉ để động viên chứ chưa tạo động lực cho trưởng thôn hoạt động. Vì vậy, đã dẫn đến tình trạng một bộ phận cán bộ chưa an tâm công tác, làm việc cầm chừng, thậm chí có người xin thôi việc. Vấn đề này nếu không khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của tổ chức thôn. |
Tuy nhiên, qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, chúng tôi thấy còn một số vấn đề bất cập trong công tác tổ chức và quản lý thôn bản, đòi hỏi các cấp chính quyền cần phải xem xét. Đó là, tình trạng có một số nơi thôn có quy mô quá nhỏ nhưng không được sáp nhập, ngược lại có một số nơi, quy mô thôn quá lớn nhưng không được chia tách.
Đơn cử như ở thành phố Yên Bái là nơi có điều kiện địa lý thuận lợi, dân cư tập trung nhưng lại bố trí quy mô thôn quá nhỏ và hiện nay thành phố đang là đơn vị có số lượng thôn, tổ dân phố cao nhất tỉnh. Theo báo cáo của UBND thành phố thì hiện tại thành phố có trên 20.300 hộ, được bố trí thành 460 thôn, tổ dân phố. Như vậy, nếu tính bình quân chung trên địa bàn thì mới đạt 44 hộ/thôn. Hơn nữa, tính chung trên địa bàn thành phố thì tổ dân phố có quy mô như trên, song trong thực tế thì không ít nơi chỉ có từ 30 – 35 hộ/thôn.
Nhiều cán bộ cơ sở cho rằng, hiện nay tổ chức thôn đang được Nhà nước đã quan tâm chi trả phụ cấp cho các chức danh trưởng thôn, nhân viên y tế, cộng tác viên dân số, công an viên… Vì vậy, việc bố trí quy mô thôn quá nhỏ đã gây lãng phí các nguồn đầu tư của Nhà nước cho tổ chức này, đồng thời cũng gây không ít khó khăn cho cơ sở trong quá trình tổ chức hoạt động.
Ngược lại với thành phố Yên Bái thì cử tri của thôn Tân Lập thuộc xã Bảo Ái (huyện Yên Bình); thôn Bồ, thôn Dày, thôn Chùa thuộc xã Chấn Thịnh và thôn Viềng Công thuộc xã Hạnh Sơn (huyện Văn Chấn) lại đề nghị tỉnh cho phép được chia tách. Bởi, quy mô của các thôn này đang ở mức cao (từ 200 đến 260 hộ), đang gây khó khăn cho cơ sở trong quá trình quản lý và tổ chức hoạt động.
Một vấn đề nữa được nhiều cử tri quan tâm, đó là, chính sách đối với trưởng thôn. Theo quy định thì trưởng thôn do dân trực tiếp bầu, vừa là người đại diện của nhân dân vừa là người đại diện cho chính quyền xã, phường để thực hiện một số nhiệm vụ hành chính. Trong thực tế, trưởng thôn là người trực tiếp hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đồng thời là người nắm bắt thông tin, nguyện vọng của nhân dân để đề đạt, kiến nghị lên chính quyền.
Hoạt động của trưởng thôn có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân cư ở từng thôn bản. Nhiều cử tri cho rằng, yêu cầu nhiệm vụ và áp lực công việc đối với trưởng thôn là rất lớn song chế độ, chính sách đối với họ còn bất cập. Theo Nghị định 121/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế độ chính sách đối với cán bộ công chức xã, phường, thị trấn thì cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn và tổ dân phố được hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng theo quy định của tỉnh.
Để khắc phục những bất cập trên, thiết nghĩ các cấp chính quyền cần quan tâm kiện toàn, củng cố tổ chức thôn bản, tổ dân phố; cho phép sáp nhập đối với những thôn có quy mô quá nhỏ và chia tách đối với những thôn có quy mô quá lớn, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và tổ chức hoạt động. Mặt khác, tỉnh cũng cần kiến nghị với Chính phủ sửa đổi những quy định về chính sách đối với cán bộ cơ sở nói chung và trưởng thôn nói riêng.
Trong khi chờ Chính phủ xem xét, tỉnh cần nghiên cứu nâng mức phụ cấp cho trưởng thôn, để khuyến khích cán bộ cơ sở an tâm làm việc, đóng góp công sức của mình, củng cố bộ máy chính quyền cơ sở, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của địa phương. Có như vậy, mô hình thôn, bản mới phát huy được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống chính quyền vững mạnh ở cơ sở.
Lê Thị Liêm