YBĐT – Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn vừa qua cho thấy: Chương trình giảm nghèo của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, có tác động thiết thực với người nghèo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững của tỉnh.
Cụ thể, từ năm 2006 đến hết năm 2012, tỉnh đã huy động trên 6.300 tỷ đồng từ các nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo. Đã có 84.976 lượt hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khăn được vay vốn; 3.400 người nghèo được dạy nghề; 159.879 học sinh con hộ nghèo được miễn giảm học phí, trên 960.000 người nghèo và dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Trong đó, Chương trình 134 đã hỗ trợ cho 8.336 hộ nghèo là dân tộc thiểu số làm nhà ở, trên 40.000 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, hàng ngàn người được hỗ trợ pháp lý; thông qua các chính sách giảm nghèo đặc thù, nhiều hộ dân được hỗ trợ về trồng rừng, hỗ trợ khai hoang phục hóa, hỗ trợ giống, cây, con…
Đặc biệt, từ các Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, Nghị quyết 30a và chính sách đặc thù trên địa bàn… nhiều địa phương đã có nguồn vốn để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng và công trình phúc lợi xã hội như: trường học, bệnh viện, đường giao thông, thủy lợi… đáp ứng nhu cầu về đi lại, khám chữa bệnh và học tập của người dân.
Có thể nói, từ thực hiện hiệu quả các chính sách mà công tác giảm nghèo của Yên Bái đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Trong 8 năm thực hiện Mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 34,71% xuống còn 11,53% (theo chuẩn nghèo cũ). Và giai đoạn 2011 – 2013 (thực hiện theo chuẩn nghèo mới) tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh: năm 2011, toàn tỉnh còn 32,53% hộ nghèo, hết năm 2012 giảm còn 29,23% và hết năm 2013, còn 25,38%.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công cuộc xóa nghèo ở Yên Bái trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa bền vững, số hộ tái nghèo và cận nghèo còn cao; hiệu quả lồng ghép các chương trình, dự án về xóa đói giảm nghèo chưa cao, nguồn huy động giúp đỡ lẫn nhau tại cộng đồng chưa thực sự phát huy; nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo với lãi suất ưu đãi còn hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện công tác giảm nghèo ở một số nơi chưa kịp thời, chưa sâu sát, cụ thể; trách nhiệm đối với công tác đối với công tác giảm nghèo của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở một số địa phương chưa sâu sắc, toàn diện, nhiều khi còn lúng túng; người dân còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, không muốn thoát nghèo để kéo dài thời gian hưởng ưu đãi…
Để thực hiện tốt chính sách, pháp luật về giảm nghèo cần tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững theo lộ trình hàng năm và từng giai đoạn. Trong đó là việc ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, gắn mục tiêu giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và người nghèo, cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt các chính sách trợ giúp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là cơ sở để thực hiện tốt hơn các chính sách giảm nghèo, làm thay đổi nhận thức, tư tưởng và hành vi, sự cố gắng vươn lên của các hộ nghèo, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước, tạo ý thức tự vươn lên thoát nghèo.
Tăng cường phát động các nguồn lực tại chỗ, gắn với sử dụng hợp lý các nguồn lực chung và trực tiếp cho đối tượng nghèo, tham mưu có giải pháp đồng bộ để giảm nghèo ở các xã miền núi. Chú trọng lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu để phát triển kinh tế – xã hội tạo nên hiệu quả thiết thực giúp Yên Bái đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Q.N