YBĐT – Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ VI năm 2013 là sự kiện chính trị – pháp lý có tính lịch sử, mở ra một thời kỳ mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là nền tảng pháp lý, chính trị vững chắc cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Hiến pháp được xây dựng nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Hiến pháp năm 1992, thể chế hóa cương lĩnh chính trị xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Hiến pháp mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014. Tuy nhiên, để Hiến pháp thực sự đi vào cuộc sống là cả một quá trình và việc triển khai cần quyết liệt, thấu đáo. Vì vậy, theo Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị 32 của Ban Bí thư về triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần được thực hiện đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, kịp thời tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung Hiến pháp, giá trị khoa học và thực tiễn của Hiến pháp đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về Hiến pháp, ý thức chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, bảo đảm Hiến pháp được tôn trọng và chấp hành nghiêm trong đời sống xã hội…
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc giới thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp cho báo cáo viên, tuyên truyền viên cả nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu: Công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp là tiền đề quan trọng cho các tầng lớp nhân dân tiếp cận, hiểu từ các quy định của pháp luật để nghiêm chỉnh chấp hành. Hai ngành tư pháp và tuyên giáo cần tập trung tổ chức phổ biến, giáo dục sao cho thật khoa học và phù hợp với các đối tượng.
Trong quá trình phổ biến, cần quan tâm thực chất tới đồng bào ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Việc tuyên truyền, triển khai, thi hành Hiến pháp năm 2013 đòi hỏi sự nỗ lực đóng góp công sức, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị.
Các cấp, các ngành cần quan tâm tới những điểm mới theo các chương, điều mà Hiến pháp đã thể hiện để tuyên truyền hiệu quả nhất tới nhân dân.
Lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo kịp thời và tạo điều kiện cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện nhiệm vụ phổ biến giới thiệu Hiến pháp năm 2013 trong phạm vi cơ quan, địa phương mình.
Bảo đảm việc triển khai thi hành Hiến pháp sâu rộng hiệu quả, đưa Hiến pháp thực sự đi vào cuộc sống, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo đó, cấp tỉnh và cấp huyện sẽ tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp. Sở Tư pháp có trách nhiệm biên soạn, phát hành các tài liệu phổ biến, giới thiệu ý nghĩa và nội dung Hiến pháp để triển khai thực hiện từ tháng 4/2014.
Trong đó, các cơ quan, ban ngành, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phải chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 tại đơn vị, địa phương, đảm bảo kịp thời đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu quả và tính khả thi, đưa đó thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân; trong đó tập trung vào 2 nhóm nhiệm vụ trọng tâm là: tổ chức quán triệt, phổ biến ý nghĩa, nội dung của Hiến pháp; tổ chức rà soát, lập danh mục văn bản pháp luật hiện hành đồng thời thống kê những văn bản cần sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất bãi bỏ để phù hợp với Hiến pháp.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phổ biến sâu rộng nội dung cơ bản, những điểm mới của Hiến pháp, phù hợp với từng cấp, ngành, địa phương và các đoàn thể, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, đảm bảo từng nội dung của Hiến pháp thực sự đi vào đời sống.
Kim Tiến