YBĐT – Những năm gần đây, tình hình bệnh dịch trên gia súc, gia cầm diễn biến rất phức tạp, nhiều địa phương trong tỉnh Yên Bái trước đây chưa bao giờ có mầm bệnh nhưng nay đã xuất hiện.
Đặc biệt hơn, ngày 9/4/2013 nước bạn láng giềng Trung Quốc xác nhận đã phát hiện 28 người nhiễm vi rút cúm gia cầm H7N9. Đây là những ca nhiễm chủng vi rút cúm mới và đã có 9 trường hợp tử vong.
Để chủ động ngăn chăn sự xâm nhiễm chủng vi rút cúm gia cầm H7N9 từ nước ngoài vào Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện khẩn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nghiêm cấm tất cả các hình thức vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới. Từ khi kiểm soát tốt khâu lưu thông, thời gian gần đây, tại các chợ trên địa bàn thành phố Yên Bái không còn hiện tượng người dân buôn bán gà sống và gà đông lạnh thải loại, nhập lậu như trước.
Tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu đã cơ bản được kiểm soát. Tuy thế , tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong cả nước vẫn đang diễn biến phức tạp. Một số tỉnh xung quanh Yên Bái đã phát sinh dịch và đang gây hại trên đàn gia súc, gia cầm.
Việc tăng đàn khôi phục sản xuất chăn nuôi cùng với thời tiết thay đổi và tỷ lệ tiêm phòng thấp là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất cao. Do đó, chính quyền các cấp cần tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng và nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác và ý thức trách nhiệm phòng chống dịch, báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng những vấn đề liên quan tới dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi phát triển.
Trước hết, chính quyền các địa phương sớm kiện toàn và duy trì tốt hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống dịch động vật các cấp theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh; tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở; trong đó chú trọng công tác giám sát, tiêm phòng, khử trùng tiêu độc, cách ly và điều trị vật nuôi ốm…
Ngành nông nghiệp – phát triển nông thôn chỉ đạo làm tốt công tác tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn vật nuôi, trong đó chú trọng vắc xin dịch tả cho đàn lợn, vắc xin lở mồm long móng gia súc và vắc xin dại cho đàn chó, thực hiện tốt công tác tiêu độc khử trùng phòng chống dịch tai xanh và dịch cúm gia cầm theo kế hoạch phòng chống dịch của UBND tỉnh.
Các địa phương chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh, bố trí kinh phí cho công tác phòng chống dịch như mua vật tư hoá chất, vôi bột…; hướng dẫn người dân mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc, tránh tình trạng lây lan dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và người, ngăn chặn tới mức thấp nhất việc đưa dịch bệnh vào địa phương, đặc biệt lưu ý ở các huyện Văn Yên, Trấn Yên; thành phố Yên Bái.
Lực lượng quản lý thị trường, thú y, tăng cường kiểm soát khâu lưu thông. Các cơ quan truyền thông cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về tình hình dịch bệnh theo các mùa vụ, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học…
Hiện nay do trên địa bàn toàn tỉnh chưa có lò giết mổ gia súc tập trung nên UBND các xã, thị trấn cần quản lý chặt chẽ các hộ giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn đảm bảo vệ sinh môi trường, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm của chủ cơ sở…
Quang Thiều