YBĐT – Đối với mỗi người dân Việt Nam, đất đai luôn là tài sản gắn bó, quan trọng nhất và cũng là nguyên nhân của nhiều tranh chấp, mâu thuẫn nhất.
Nhìn lại 10 năm Luật Đất đai năm 2003 đi vào thực hiện cho thấy cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh, thể hiện những quan điểm đổi mới của Đảng, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Luật đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường… Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực, Luật Đất đai năm 2003 vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
Nguyên nhân chính là do nguồn gốc đất đai của chúng ta rất của rất đa dạng, chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ; chủ trương, chính sách pháp luật hiện hành về đất đai còn một số nội dung chưa rõ, chưa phù hợp; việc thể chế hóa còn chậm, chưa thật đồng bộ; quá trình tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về đất đai và các chính sách pháp luật có liên quan chưa nghiêm; lợi ích của Nhà nước, của người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm.
Vì vậy, nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn; thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh; khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai còn diễn biến phức tạp… Do đó, việc chúng ta tiếp tục hoàn thiện Luật cũng như chính sách về đất đai là việc làm hết sức cần thiết.
Từ mức độ quan trọng và cấp thiết như vậy, thời gian này cùng với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trước khi Quốc hội tiếp tục thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới.
Để Luật Đất đai sửa đổi lần này đáp ứng quá trình phát triển cũng như phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo được sự đồng thuận của nhân dân thì việc lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Luật cần được tổ chức tốt.
Như đã đưa tin, cùng với kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, ngày 25/2/2013, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định 147/ QĐ – UBND về việc ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Kế hoạch đã chỉ rõ mục đích yêu cầu cũng như nội dung, hình thức, đối tượng lấy ý kiến. Về nội dung, Dự thảo đã được đăng toàn văn trên trang Thông tin điện tử của HĐND và UBND tỉnh, việc lấy ý kiến là toàn bộ Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm các chương, điều, khoản, hiệu lực và kỹ thuật trình bày các quy định của Luật.
Về hình thức, Luật Đất đai (sửa đổi) được lấy ý kiến thông qua góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức là các sở, ban, ngành, HĐND, UBND các huyện, thị, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn; góp ý trực tiếp, thông qua các hội nghị, hội thảo và thông qua Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, trang Thông tin điện tử của HĐND, UBND tỉnh.
Đối tượng lấy ý kiến bao gồm HĐND, UBND các cấp; các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Kế hoạch cũng đã phân công cụ thể trách nhiệm của các sở, ban, ngành trong việc lấy ý kiến.
Tuy nhiên do thời gian lấy ý kiến vào Dự thảo không còn nhiều, từ khi triển khai đến khi kết thúc báo cáo trung ương chỉ trong vòng 1 tháng ( từ 1/3/2013 đến 1/4/2013). Vì vậy để đợt lấy ý kiến đạt kết quả cao nhất, các ngành, đoàn thể; UBND các huyện thị, thành phố và UBND các xã phường, thị trấn cần bám sát kế hoạch, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc triển khai lấy ý kiến cũng như việc tổng hợp các ý kiến đóng góp vào Dự thảo theo đúng thời gian kế hoạch đề ra.
Với trách nhiệm đối với đất nước cũng như quyền lợi của mỗi cá nhân, mỗi người dân Yên Bái hãy tích cực nghiên cứu để có những đóng góp thật sự tâm huyết, có trách nhiệm sao cho Dự thảo Luật Đất đai lần này thật sự hoàn chỉnh, từ đó có đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh – quốc phòng, bảo vệ môi trường cũng như bảo đảm quyền lợi của chính mỗi người dân.
Nguyễn Đình