YBĐT – Hiến pháp là văn bản pháp lý quan trọng nhất của mỗi đất nước. Bản Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã qua nhiều lần sửa đổi. Sửa đổi cho sát hợp hơn với tình hình thực tế của quốc gia, dân tộc và quốc tế.
Vì thế, sửa đổi Hiến pháp là việc làm cần thiết để mỗi dân tộc, mỗi quốc gia ngày càng đổi mới đi lên vì độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vì hạnh phúc của nhân dân.
Là văn bản quy phạm quan trọng nhất thể hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân nên Hiến pháp sửa đổi rất cần sự tham gia đóng góp trí tuệ của toàn dân và cả hệ thống chính trị. Ngay sau khi Quốc hội khóa XIII ra Nghị quyết về việc lấy ý kiến tham gia Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 22, trong đó chỉ rõ: “Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân…”.
Ngay sau đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị, khẳng định: “Mỗi lần thay đổi Hiến pháp đều đánh dấu sự chuyển mình của đất nước, của dân tộc. Do đó, yêu cầu lần này đặt ra là phải lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo một cách công khai, sâu rộng và khoa học”.
Là một tỉnh miền núi, dân tộc, trình độ dân trí chưa cao nhưng các tầng lớp nhân dân Yên Bái luôn thể hiện ý thức, trách nhiệm chính trị cao, điều này đã được kiểm chứng qua các đợt tham gia ý kiến sửa đổi Hiến pháp trước đây, đặc biệt tham gia vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Tỉnh Đảng bộ, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)… Từ các bậc bô lão đến đoàn viên thanh niên, từ cán bộ ,công chức đến quần chúng nhân dân đều tích cực tìm hiểu bản dự thảo và đóng góp những ý kiến rất tâm huyết, trong đó phải kể tới lực lượng cán bộ lão thành, tầng lớp trí thức đang cống hiến cho đát nước đã dày công tìm hiểu và tham gia đóng góp không chỉ một lần, một vấn đề.
Đợt sửa đổi Hiến pháp này chắc chắn người dân Yên Bái lại một lần nữa thể hiện trách nhiệm chính trị của bản thân đối với đất nước, đối với dân tộc, không chỉ hăng hái tham gia mà sẽ lại đóng góp những ý kiến rất quan trọng và đúng đắn. Trách nhiệm của các cấp, các ngành là phải tổ chức tốt để phát huy trí tuệ của toàn dân.
Trước mắt, các cơ quan truyền thông đại chúng sẽ thông tin tuyên truyền đầy đủ những nội dung của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, định hướng dư luận, động viên nhân dân tích cực tham gia đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này. Mặt trận Tổ quốc các cấp với các tổ chức chính trị xã hội thành viên cần động viên hội viên, đoàn viên, nhân sỹ, trí thức và toàn dân tham gia vào Dự thảo. Cần phải công khai các ý kiến (kể cả những ý kiến trái chiều) để mọi người cùng thảo luận.
Thời gian để người dân tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là 3 tháng (từ ngày 2/1 đến hết ngày 31/3/2013). Đó là khoảng thời gian không dài, lại trùng với dịp vui xuân đón tết Quý Tỵ. Chính vì thế, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần khần trương đẩy mạnh việc tuyên truyền và tổ chức lấy ý kiến. Cán bộ, đảng viên, mọi tầng lớp nhân dân cần đề cao hơn nữa trách nhiệm của mình để bản Hiến pháp sửa đổi thực sự là sản phẩm trí tuệ của cả dân tộc, trong đó có những ý kiến đóng góp quý báu của người dân Yên Bái.
Lê Phiên