YênBái – YBĐT – Có thể nói năm 2007 là năm xuất hiện nhiều loại dịch bệnh cùng lúc và trong các tháng 1,2,4 khi mà dịch cúm gia cầm vừa tạm lắng thì dịch lở mồm long móng đã tái phát và lây lan ở 24 thôn bản thuộc 9 xã của huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, đã có 1051 con gia súc mắc bệnh.
Tiếp đó, từ tháng 4 đến tháng 6 xuất hiện dịch tụ huyết trùng ở trâu, bò tại 5 xã của Văn Yên, xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái) làm cho 27 con bị chết… Một số dịch bệnh khác như dịch “tai xanh” ở lợn tuy chưa xuất hiện ở Yên Bái nhưng đã có ở nhiều tỉnh khác. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, công tác phòng chống đã được các ngành chức năng của tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.
Bà Đỗ Thị Phương- Phó chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Theo hướng dẫn về công tác tiêm phòng của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, việc tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc gia cầm chỉ triển khai tập trung ở các khu vực có nguy cơ cao, nơi chăn nuôi gia cầm tập trung, các xã đã phát dịch trước đây và xã tiếp giáp với xã có dịch, nơi tập trung buôn bán, giết mổ gia cầm…
Đến nay Yên Bái đã tiêm phòng được 68.907 liều tụ huyết trùng trâu bò, đạt 86,13%; 48.816 liều tụ huyết trùng lợn đạt 71,5%; dịch cúm gia cầm lần một đạt 82,74%”. Như vậy, vẫn còn một số lượng lớn gia súc, gia cầm vẫn chưa được tiêm phòng.
Qua tìm hiểu thực tế ở huyện Trấn Yên, thì được biết tỷ lệ tiêm phòng trên đàn gia cầm đạt khoảng 80%. Anh Nguyễn Ngọc Thanh – Trạm trưởng Trạm Thú y Trấn Yên cho biết, số gia cầm không được tiêm phòng chủ yếu tập trung ở những xã vùng sâu và một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Công tác triển khai tiêm phòng ở những xã này gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù trước khi tiêm đã có thông báo đến từng hộ dân về địa điểm và thời gian song do nhận thức của người dân chưa tốt nên khi thực hiện thì lại không mang đến điểm tập trung hoặc không nhốt gia cầm gây rất nhiều khó khăn cho tổ tiêm phòng.
Một vấn đề khác mà anh Thanh đang rất lo lắng khi triển khai công tác tiêm phòng cho gia cầm đợt hai vào tháng 10 tới, đó là nhiều cán bộ thú y thôn bản không muốn tham gia vào tổ tiêm phòng do thù lao thấp. Anh làm một phép tính, cứ một tổ tiêm phòng có 3 người gồm cán bộ Trạm, thú y thôn bản và trưởng thôn; mỗi mũi tiêm cả nhóm được 100 đồng, nếu tiêm ở các trang trại lớn hoặc khu vực tập trung chăn nuôi thì trừ tiền ăn trưa thù lao cho mỗi người cũng được khoảng 25-30 nghìn đồng/ngày.
Tuy nhiên, nếu tiêm ở các xã vùng sâu thì lại khác, phân bố dân cư thưa, giao thông đi lại khó khăn, có khi tiêm ở một thôn cũng phải mất vài ngày, bình quân một ngày thù lao của mỗi người chỉ được 15-17 nghìn/ngày trừ tiền ăn trưa, xăng xe cũng hết, thậm chí phải bỏ tiền túi ra để mua xăng. Cán bộ thú y là người ăn lương nhà nước để làm công tác này thì không có vấn đề gì, còn cán bộ thú y thôn bản, trưởng thôn không có bất kỳ chế độ, thù lao nào của Nhà nước mà đều phụ thuộc vào số mũi tiêm được.
Chính vì vậy mà nhiều cán bộ thú y thôn bản và trưởng thôn không muốn tiếp tục thực hiện công việc này, đây là một vấn đề khó khăn nếu không có giải pháp khắc phục thì khi triển khai tiêm phòng đợt hai vào tháng 10 sẽ rất khó thực hiện đạt kế hoạch.
Thực trạng trên đang diễn ra ở hầu hết các huyện. Anh Lư Ngọc Duyên – Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Lục Yên cho biết: “Toàn huyện có 244 thôn bản của 19 xã trong diện phải tiêm phòng đợt I của năm 2007 và vừa qua số mũi tiêm đợt II của nhiều xã giảm rất nhiều so với mũi một. Chẳng hạn, xã Động Quan mũi một tiêm được 10.400 con, trong khi kế hoạch huyện giao 20.000 liều, mũi hai lại tiếp tục giảm, huyện giao 14.000 liều nhưng thực hiện chỉ được 6.000 liều, trong khi đó kế hoạch lần hai được xây dựng trên cơ sở thống kê đàn gia cầm từ mũi tiêm thứ nhất”.
Nguyên nhân theo anh Duyên không phải do biến động của đàn gia cầm, vì thực tế sự biến động này không lớn. Việc không đạt kế hoạch này là do cán bộ thú y thôn bản không còn “nhiệt tình”. Trong khi muốn kỷ luật đối với đội ngũ thú y thôn bản không hoàn thành nhiệm vụ cũng khó do đội ngũ này hoạt động trên cơ sở giấy phép hành nghề thú y, không thuộc quyền quản lý của bất kỳ cơ quan nào. Chính vì thế, việc điều động thú y thôn bản vào các hoạt động phòng chống dịch bệnh chỉ có thể là vận động. Điều này đã ảnh hưởng lớn tới hiệu quả của công tác phòng chống dịch.
Được biết ở một số tỉnh thành như: Tuyên Quang, Phú Thọ, đội ngũ thú y thôn bản đều có phụ cấp hoạt động và chịu sự quản lý của chính quyền xã, chi cục thú y. Chính vì thế, khi triển khai công tác phòng chống dịch bệnh việc huy động sự tham gia của thú y thôn bản rất dễ dàng và thuận lợi. Theo ý kiến của trạm thú y nhiều địa phương, cần có phụ cấp nhất định cho đội ngũ thú y thôn bản, đặt đội ngũ này dưới sự điều động quản lý của chính quyền cơ sở, chi cục thú y chịu trách nhiệm quản lý về mặt chuyên môn. Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh.
Anh Dũng