YBĐT – “Làm công ăn lương” – một thuật ngữ đã ăn sâu vào tiềm thức của người lao động bất kể họ hoạt động trong lĩnh vực nào, từ kinh doanh buôn bán đến nghiên cứu sáng tạo, từ ông chủ cho đến người làm thuê, từ cán bộ công chức
đến những người lao động tự do…
Tất cả đều đang quay cuồng trong vòng xoáy “tiền lương” từng ngày, từng giờ và cũng đã có nhiều “thấm thía” bởi những “nghịch lý” giữa tiền lương và tiền để trang trải cuộc sống…
Nói là nghịch lý nhưng không phải quá bi quan. Đơn cử, lương của một thạc sỹ, phó trưởng phòng có thâm niên trên 10 năm công tác tại một sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, “kịch bậc” hiện nay cũng chỉ “xêm xêm” mức lương trung bình của một lái xe taxi, gấp 1,5 lần lương một người giúp việc cho một gia đình khá giả, tức là khoảng trên dưới 4 triệu đồng.
Còn lương của một công nhân lao động chân tay trong một doanh nghiệp sản xuất (vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản…) chỉ đủ sống ở mức trung bình, nếu không muốn nói là “thắt lưng buộc bụng” trước sự leo thang đến chóng mặt của giá cả thị trường.
Cùng với tốc độ lạm phát cao trong những năm qua, mức lương tối thiểu cho người lao động đã được điều chỉnh nhiều lần. Nhưng thực tế, lương tăng mà người lao động vẫn chưa được hưởng niềm vui trọn vẹn. Bởi, mỗi khi tăng lương, người nhận lương cũng hoan hỉ, nhưng thực tế giá cả và các nhu cầu chi tiêu tối thiểu khác thường tăng nhanh hơn mức tăng lương khiến thu nhập thực tế của người nhận lương có khi còn bị hạ thấp hơn trước. Vì vậy, mức lương tối thiểu hiện nay vẫn chỉ để bù trượt giá là chính chứ chưa đủ nâng cao đời sống, thậm chí còn giảm sút.
Ví dụ năm 2010, mức lương tối thiểu là 850 nghìn đồng, giá 1kg thịt gà lúc đó vào khoảng 90 nghìn đồng, thì năm 2013 này, lương tối thiểu là 1.050 nghìn đồng, nhưng 1kg thịt gà đã có giá 130-150.000 nghìn; thịt thì tăng gấp rưỡi mà lương chỉ tăng chưa đến 20%…. Đấy là còn chưa kể đến các loại mặt hàng, dịch vụ khác đều tăng giá: lương thực, thực phẩm, y tế, cũng như xăng dầu, điện, nước…
Đặc biệt, có khi lương chỉ tăng cho vài bộ phận người làm công ăn lương trong xã hội, nhưng hệ quả tiêu cực bởi giá tăng “đuổi và chặn trước” tăng lương lại trút lên toàn bộ người lao động và người tiêu dùng khác.
Một cán bộ hưu trí ngành ngân hàng đưar a nhận xét: “Mức lương tối thiểu hiện nay vẫn theo kiểu “hình thức và rất bình quân”. Hơn nữa, cán cân cân bằng giữa lương và giá cả đã bị phá vỡ, khiến người lao động nói riêng và các thành phần xã hội khác đều gặp khó khăn để đảm bảo cuộc sống…
Bài toán đặt ra từ lâu là làm sao để người lao động sống được bằng tiền lương và trả lương như thế nào cho hợp lý đối với mỗi loại hình lao động?
Hiện tồn tại 2 luồng ý kiến trong công tác cải cách tiền lương. Đó là để một mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội, hay cần chia nhỏ cho các đối tượng hưởng lương kiểu như: khu vực doanh nghiệp thì cho người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận tiền lương; khu vực Nhà nước thì xây dựng mức tiền cơ bản tương ứng với mức lương trung bình khá trong xã hội để trả cho cán bộ công chức – loại lao động đặc thù thực hiện chức năng quản lý nhà nước? Dù như thế nào thì hiện chúng ta vẫn phải duy trì cuộc sống trong “cơn bão giá” và người lao động cần tự biết điều chỉnh túi tiền cho hợp lý trước khi trông chờ vào tăng lương.
Thiên Cầm