YBĐT – Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, phong trào phát triển giao thông nông thôn (GTNT) trong những năm gần đây đã thu hút được sự tham gia tích cực của người dân. Chỉ tính trong ba năm (2011- 2013), toàn tỉnh Yên Bái đã kiên cố được trên 380 km đường và mở mới được hơn 700 km đường thôn, bản.
Điều này thể hiện rõ chủ trương “xã hội hóa đầu tư xây dựng GTNT” của Nhà nước đã phù hợp với nguyện vọng của người dân, người dân đã tích cực đóng góp công sức, tiền của giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng để làm đường. Cụ thể trong năm 2012, từ cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, toàn tỉnh đã kiên cố hóa được 130 km đường bê tông xi măng và mở mới 348km nền đường liên thôn, bản với tổng kinh phí 183 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 104 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 79 tỷ đồng. Năm 2013
vừa qua, 312 km đường được mở mới và 130 km đường được bê tông xi măng, tổng kinh phí đầu tư đạt 150 tỷ đồng thì nhân dân đóng góp trên 60 tỷ đồng.
Điều đáng nói hơn ở đây, trên tất cả các tuyến đường mở mới và kiên cố hóa đều không có kinh phí cho giải phóng mặt bằng mà nhân dân đã chủ động hiến đất, di dời công trình kiến trúc như: chuồng trại, hàng rào, thậm chí là nhà cửa để làm đường, tất cả vì lợi ích chung. Và, hiệu quả của đầu tư xây dựng GTNT thật rõ ràng, đường về đánh thức các vùng quê! Nhiều nơi khi chưa có đường GTNT kiên cố, đời sống nhân dân gặp khó khăn, sản phẩm do người dân sản xuất ra không bán được, nếu bán thì bị tư thương ép giá, đi lại khó khăn, đặc biệt việc học hành của trẻ em đi học rất vất vả… nay có đường đã có sự thay đổi. Hơn thế, giao thông thuận lợi là yếu tố quan trọng để người dân mở mang giao lưu, từ đó nâng cao dân trí, nâng cao kiến thức – yếu tố cực kỳ quan trọng trong chiến đấu với đói nghèo, lạc hậu.
Dù đạt được những kết quả đáng phấn khởi, nhưng theo thống kê, trên tổng số 5.694 km đường nông thôn ở 180 xã, phường, thị trấn thì có trên 60% chưa được cứng hóa; hầu hết các tuyến đường liên thôn, xóm, đường nội đồng đến khu sản xuất mặt đường hẹp, không đáp ứng nhu cầu sử dụng cơ giới hóa nông nghiệp và vận chuyển hàng hóa. Vì vậy ,vấn đề tiếp tục đầu tư xây dựng mạng lưới GTNT là rất cần thiết.
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2015, phấn đấu hoàn thành 900 km đường GTNT và đến năm 2020, 100% đường, huyện, đường xã vào đúng cấp kỹ thuật; phấn đấu tỷ lệ mặt đường cứng đạt 95%, từng bước phát triển đường thôn, bản đường ra nội đồng; tất cả đường liên huyện đều đạt tiêu chuẩn đường từ cấp IV đến cấp V miền núi, đường xã đạt tiêu chuẩn đường GTNT cấp A theo tiêu chuẩn đường GTNT…, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và người dân trong việc xã hội hóa xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là hết sức cần thiết.
Kinh nghiệm từ các địa phương làm tốt công tác phát triển GTNT cho thấy, nơi nào huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động người dân tốt thì nơi đó phong trào làm đường đạt được kết quả cao. Chỉ khi người dân hiểu rõ chủ trương của Nhà nước cũng như quyền lợi của mình, được dân chủ trong bàn bạc, giám sát, kiểm tra thì họ sẵn sàng tự nguyện đóng góp những gì có thể.
Một yếu tố quan trọng phát triển giao thông là nguồn lực đầu tư. Do nguồn vốn cần rất lớn nên cùng với nguồn đầu tư của Nhà nước, các địa phương cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp… tham gia.
Trong phát triển GTNT, cùng huy động lao động tại chỗ, cần chủ động khai thác sử dụng vật liệu sẵn có tại địa phương, áp dụng công nghệ mới có tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng. Để đảm bảo chất lượng sau công trình, cần kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý GTNT, nhất là việc đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật, năng lực quản lý cũng như giám sát, tổ chức bảo trì, bảo dưỡng hệ thống đường GTNT cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
Sức mạnh tổng lực sẽ được phát huy thông qua xã hội hóa, những con đường mới sẽ mở ra mang đến cơ hội phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Q.T