YBĐT – Ngày 22/5/2011 – cùng với cử tri cả nước, cử tri các dân tộc Yên Bái sẽ thực hiện quyền và trách nhiệm công dân của mình: bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Lần đầu tiên, tiến hành bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp cùng một ngày, đòi hỏi mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cử tri nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt các khâu, quy trình chuẩn bị bầu cử, trong đó cần đặc biệt coi trọng tới chất lượng đại biểu.
Trước hết, về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Với Yên Bái, theo phân bổ của ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh được bầu 6 đại biểu, trong đó 4 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương. Người như thế nào thì được ứng cử hoặc giới thiệu ứng cử để bầu cử vào Quốc hội đã được quy định chi tiết, rõ ràng tại Điều 3, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (sửa đổi) năm 2010. Đó là những người có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ để tham gia thảo luận và quyết định những vấn đề về lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội gồm những người do cử tri cả nước bầu ra, đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.
Quốc hội khóa XIII có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong thời kỳ cách mạng mới của đất nước. Do vậy, tiêu chuẩn và cơ cấu, thành phần đại biểu đều rất quan trọng; bảo đảm cơ cấu, thành phần nhưng yêu cầu kỳ này là phải bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu, xác định tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu là chính, là ưu tiên số một. Đại biểu Quốc hội cần am hiểu pháp luật để có thể tham gia xây dựng luật; có năng lực tiếp cận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và có khả năng phát biểu trong các kỳ họp của Quốc hội, nói lên được những tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân – không chỉ những vấn đề mà số đông cử tri ở địa phương mình đang tâm tư, kiến nghị mà còn là những vấn đề đang đặt ra cấp thiết trong quá trình thực hiện trọng trách của mình tham gia lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Về đại biểu HĐND các cấp, Luật Bầu cử đại biểu HĐND các cấp quy định rõ 5 tiêu chuẩn của đại biểu HĐND. Trong đó, quy định phải có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu HĐND, có khả năng tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật; am hiểu tình hình kinh tế – xã hội để tham gia quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. ở cấp tỉnh, qua hiệp thương lần thứ nhất do ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức, thống nhất số lượng, cơ cấu, thành phần ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 là 118/59 đại biểu được bầu.
Vị trí, vai trò của HĐND các cấp trong nhiệm kỳ tới hết sức quan trọng, đó là giai đoạn mà toàn Đảng, toàn dân tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các nghị quyết của đại hội Đảng các cấp đề ra, đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Bảo đảm cơ cấu, thành phần, số lượng là yêu cầu quan trọng; quan trọng hơn, những đại biểu HĐND kỳ tới phải thực sự là những người có trình độ, năng lực, nói gọn lại là đủ đức, đủ tài. Với yêu cầu như vậy, việc ứng cử và giới thiệu người ứng cử cần được tổ chức đúng Luật, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ để cử tri chọn lựa được những người xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, nói lên tiếng nói của cử tri và tham gia quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương…
Bầu cử là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật quy định. Để ngày 22/5/2011 – ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 thực sự là ngày hội lớn của toàn dân, mọi cấp, mọi ngành cần tổ chức, triển khai cuộc bầu cử đúng Luật, đúng thời gian, dân chủ, bảo đảm cho cử tri thực hiện được đầy đủ quyền bầu cử của mình. Vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước ta và các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 phụ thuộc vào chất lượng các đại biểu được bầu. Do đó, việc chọn lựa những đại biểu đủ tiêu chuẩn, thực sự có chất lượng để cử tri bầu cử phải là ưu tiên số một!
Tuấn Anh