YBĐT – Một loạt cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về cho vay nặng lãi bị lực lượng công an các tỉnh trên phạm vi toàn quốc triệt phá, thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về “tín dụng đen”.
Là hình thức cho vay với lãi suất “khủng” vượt quá nhiều lần mức lãi suất quy định của pháp luật cho phép, “tín dụng đen” không chỉ gây nên hậu quả nghiêm trọng với dòng lưu thông tiền tệ của xã hội mà còn ảnh hưởng đến cá nhân và gia đình nếu không có khả năng chi trả.
Theo số liệu chưa đầy đủ của Bộ Công an, 4 năm gần đây, toàn quốc đã có 7.624 vụ án liên quan đến “tín dụng đen”, với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản…
Trong số đó, có 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn lãi suất cao với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, vỡ nợ dây chuyền.
Hiện nay, lực lượng cảnh sát hình sự đang theo dõi 124 băng nhóm với 831 đối tượng hoạt động có tổ chức về lĩnh vực cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, việc xử lý, nắm bắt thông tin về “tín dụng đen” gặp nhiều khó khăn, thường chỉ khi đổ vỡ mới bị phát hiện, có nguyên nhân là do nhu cầu vay thường không chính đáng nên người vay che giấu. Mặc dù cơ quan chức năng đã phát hiện xử lý nhiều vụ việc liên quan “tín dụng đen” và có thông tin cảnh báo người dân nhưng tình trạng “tín dụng đen” thời gian qua vẫn tồn tại.
Dù không nóng như nhiều địa phương trong cả nước, nhưng có thể khẳng định, “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Yên Bái không phải không có. Nhiều nơi, chúng ta dễ bắt gặp những lời rao trên các tờ rơi tại các bảng thông báo, ngã tư, cột điện, hay những tin nhắn cho vay tiền… với thủ tục rất đơn giản, nhanh chóng, thủ tục có khi chỉ cần yêu cầu giấy tờ cá nhân và giấy tờ xe đang sở hữu.
Tuy nhiên, phía sau sự đơn giản, thuận lợi của việc cho vay là việc người vay nợ phải chịu lãi suất rất cao, có thể từ 100% đến 360%/năm tùy theo số tiền vay mượn.
Dù chưa xuất hiện công khai cảnh siết nợ, bắt nợ, nhưng trên địa bàn đã có những gia đình phải vay mượn tiền bạc của bạn bè, người thân, bán tài sản, thậm chí bán nhà, vì “lãi mẹ đẻ lãi con” do “tín dụng đen” mang lại.
Gây nhiều hệ lụy cho xã hội như mất an toàn trật tự, gây ra hiện tượng đòi nợ thuê bất hợp pháp, ảnh hưởng đến cả tính mạng người đi vay, khiến người đi vay có thể mất nhà, tài sản, đảo lộn cuộc sống, cơ hội làm ăn của người dân, do đó, ngăn chặn “tín dụng đen” là trách nhiệm các cấp, các ngành, nòng cốt là lực lượng công an.
Cùng với việc đấu tranh của lực lượng công an, cần đẩy mạnh tuyên truyền về những hậu quả của “tín dụng đen” mang lại, cần triển khai các giải pháp để người dân tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, đặc biệt vùng nông nghiệp nông thôn khó khăn, người nghèo.
Là đối tượng và cũng chính là nạn nhân, mỗi người đang có nhu cầu vay vốn cũng không nên mất cảnh giác với những hình thức vay “tín dụng đen”. Nên tránh xa những quảng cáo kêu gọi vay vốn ưu đãi, không chứng minh thu nhập hoặc thu nhập thấp. Nên kiểm tra thông tin khi quyết định có vay vốn tại cá nhân hay tổ chức nào đó hay không. Nếu nhu cầu chưa thật sự cần hãy cân nhắc việc vay vốn, vì có vay sẽ phải có trả, không cẩn thận sẽ “dính” bẫy của “tín dụng đen” chết người.
Nguyễn Đình