YBĐT – Đề xuất của Bộ Nội vụ dự kiến sẽ tinh giản 100.000 công chức, viên chức (CCVC) đang trở thành chủ đề “nóng” khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và không ít cán bộ CCVC lo lắng khi sắp phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Đây là một chủ trương, một quyết tâm hoàn toàn đúng đắn, song lại là công việc không hề đơn giản bởi nó đòi hỏi sự công bằng, tính khách quan, minh bạch và dân chủ trong quá trình triển khai thực hiện.
Nguyên nhân chính phải tinh giản biên chế là do sự không chặt chẽ trong khâu tuyển chọn đầu vào của nhiều cơ quan, đơn vị. Trong đó, từ nhiều nguyên nhân khác nhau đặc biệt có nhiều đối tượng công chức thuộc thành phần “con ông, cháu cha” được gửi gắm; một số đối tượng chưa hề qua đào tạo, trình độ, năng lực chuyên môn hạn chế; số được đào tạo thì lại đi làm trái ngành khá lớn khiến cho bộ máy Nhà nước cồng kềnh mà hiệu quả công việc lại không cao.
Bên cạnh một số cán bộ sức khỏe không đảm bảo do ốm đau, bệnh tật còn một bộ phận không nhỏ cán bộ làm các công việc “vô thưởng vô phạt” có cũng được mà không có cũng chẳng chết ai! Một nguyên nhân nữa phải thừa nhận, đó là sự phân công lao động và bố trí công việc của nhiều cơ quan chưa phù hợp với năng lực công tác chuyên môn của cán bộ.
Không phải đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề tinh giản biên chế, nhưng sau mỗi lần như vậy thì biên chế vẫn bị phình ra, khiến nạn tiêu cực, hối lộ lại xuất hiện nhiều hơn. Đó là vấn nạn “chạy quyền, chạy chức”, “chạy công chức”, thậm chí, sẽ có thêm vấn nạn “chạy ở lại biên chế” ngay từ lúc này nếu chúng ta thực hiện không nghiêm.
Để Đề án tinh giản biên chế đạt hiệu quả, cần phải thanh, kiểm tra và rà soát thật kỹ nhân sự của mỗi cơ quan, đơn vị từ Trung ương tới địa phương đảm bảo đúng luật định. Từ vị trí định ra chức danh và tiêu chuẩn xem có thể đáp ứng năng lực, trình độ và đào tạo cá nhân hay không để điều chỉnh và thay thế cho phù hợp.
Đơn cử như Nghị định số 36/2012/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/4/2012 “Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ” thì số lượng thứ trưởng ở mỗi bộ không quá 4 người, song thực tế hiện nay bộ ít nhất là Bộ Y tế, Bộ Nội vụ cũng có 5 – 6 thứ trưởng, còn các Bộ Xây dựng, Giao thông Vận tải có đến 7 thứ trưởng, thậm chí các Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính có từ 9 -10 thứ trưởng…
Vì vậy, căn cứ vào thực tế, việc tinh giản phải đảm bảo các tiêu chí rõ ràng, tránh tình trạng lợi dụng tinh giản biên chế để trù dập cán bộ, khiến người không làm được việc thì ở lại, còn những cán bộ làm tốt lại phải ra khỏi bộ máy Nhà nước một cách “chính đáng”.
Thiết nghĩ, chúng ta nên gương mẫu thực hiện từ cấp Trung ương tới địa phương: với những cán bộ CCVC cao tuổi, hiệu quả công việc không cao nên khuyến khích cho nghỉ hưu sớm; những cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây sách nhiễu phiền hà cho dân phải cương quyết cho thôi việc, bất kể đó là đối tượng nào, cấp nào. Ngoài ra, chúng ta nên duy trì và khuyến khích việc bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ hàng năm vì đó chính là một trong những tiêu chí để thủ trưởng cơ quan, đơn vị có cơ sở xem xét, đánh giá cán bộ cấp dưới một cách chính xác và công bằng nhất trước khi đưa ra bàn bạc để tinh giản.
Hà Thanh