YênBái – YBĐT – Thời gian gần đây, tại các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên… trong tỉnh Yên Bái liên tục xảy ra tình trạng xâm chiếm, khai thác, phá hoại hàng trăm ha đất rừng, rừng khoanh nuôi tái sinh. Lực lượng kiểm lâm, chính quyền cơ sở, các chủ rừng đã cùng vào cuộc và giải quyết, ngăn chặn, song chưa dứt chỗ này thì chỗ khác lại nổi lên, hàng chục ha đất rừng, rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Không chỉ rừng bị mất mà còn làm xáo trộn an ninh trật tự địa phương!
Nếu như những năm trước đây, các cấp chính quyền, lực lượng kiểm lâm lo ngại nhất là làm sao ngăn chặn được “lâm tặc” khai thác, buôn bán, vận chuyển gỗ rừng tự nhiên, công tác phòng chống cháy rừng và phát triển vốn rừng thì nay lại phải vào “cuộc chiến” mới: cuộc chiến xâm chiếm đất rừng, rừng khoanh nuôi tái sinh đang diễn ra ngày một nhiều và mức độ rất nghiêm trọng.
Từ đầu năm 2007 đến hết tháng 6, tại Tiểu khu 715 thuộc rừng phòng hộ, khoanh nuôi tái sinh do Lâm trường Văn Yên quản lý nằm trên địa bàn thôn 15 xã Tân Hợp, xã Quang Minh, huyện Văn Yên đã bị tàn phá nghiêm trọng. Hàng chục ha rừng vầu, gỗ đã bị chặt phá trước sự làm ngơ của chủ rừng, chính quyền cơ sở. Một số hộ dân quanh vùng, thậm chí cả cán bộ, đảng viên cũng tham gia xâm chiếm, phá rừng. Diện tích xâm lấn, phát rừng làm nương đều nằm trong diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng đặc dụng. Tình trạng xâm lấn diễn ra ở hầu hết các xã, xã ít cũng 3-4 vụ, nhiều tới 7-8 vụ như các xã: Yên Thái, Lang Thíp, Nà Hẩu, Mỏ Vàng, Châu Quế Thượng, Châu Quế Hạ, Quang Minh…
Huyện Yên Bình cũng không kém phần nhức nhối, với hàng chục ha rừng khoanh nuôi tái sinh bị một số hộ dân xâm chiếm, tàn phá và xảy ra rộng khắp từ Xã Vĩnh Kiên đến Bạch Hà, Tân Nguyên, Bảo Ái… Có nhiều vụ việc diễn ra rất phức tạp, đông người cùng tham gia xâm chiếm, thậm chí có cả việc tranh giành, đánh cãi chửi nhau giữa những người dân gây mất an ninh trật tự. Mới nhất là một số hộ dân ở thôn Ngòi Nhầu, xã Bảo Ái xâm lấn rừng khoanh nuôi tái sinh, khi kiểm lâm cùng chính quyền xã giải quyết chưa dứt điểm thì lại xảy ra ở thôn Đát Lụa và dường như “căn bệnh” xâm chiếm đất rừng, rừng vẫn chưa có thuốc đặc trị.
Đặc biệt trong những ngày đầu năm 2008, tại xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, hàng trăm người dân kéo nhau lên chặt phá rừng khoanh nuôi tái sinh (đây được coi là vụ xâm chiếm đất rừng, rừng lớn nhất từ trước đến nay cả về số người và diện tích). Sự việc sau khi xảy ra, chính quyền huyện, xã, chủ rừng mới vào cuộc ngăn chặn, vận động và “có gì thì giải quyết sau”! Vụ việc đến nay đã tạm thời lắng xuống song chưa ai có thể khẳng định được tình trạng xâm chiếm đất rừng, rừng khoanh nuôi tái sinh ở Trấn Yên đã được ngăn chặn triệt để!
Nguyên nhân dẫn đến những vụ việc trên là từ khi tỉnh, các địa phương thực hiện Chỉ thị 38/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất). Việc thực hiện rà soát, quy hoạch ba loại rừng là cơ sở quan trọng giúp công tác trồng và phát triển vốn rừng hợp lý hơn. Bởi, trước đây có sự lẫn lộn giữa rừng sản xuất với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng…, địa phương nào cũng muốn “bành trướng” đất rừng phòng hộ để xin trợ cấp của Nhà nước.
Qua công tác rà soát này, Nhà nước có cơ sở để chuyển đổi một số diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh ít khả năng phòng hộ sang trồng rừng sản xuất. Cùng với đó là việc thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới lại các nông-lâm trường sang thành lập các công ty lâm nghiệp, diện tích rừng do lâm trường quản lý trước đây phần lớn được chuyển về cho các ban quản lý rừng huyện quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, cũng vì thế mà không ít hộ dân hiểu sai và cho rằng khi quy hoạch lại là chuyển những diện tích rừng này sang trồng rừng sản xuất và ai muốn là được, thế là họ “tranh thủ” xâm chiếm. Bên cạnh đó, có một nguyên nhân sâu xa là nhiều hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất, thiếu lương thực.
Trước đây, Nhà nước có chính sách giao đất trồng rừng cho nhân dân thì chẳng ai nhận hoặc có nhận thì diện tích ít. Nhưng trong vài năm trở lại đây, nhận thức về rừng được nâng cao cũng như kinh tế đồi rừng đã phát huy hiệu quả góp phần xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn, nhiều hộ đã trở thành triệu phú, tỷ phú từ trồng rừng nên người dân đã hưởng ứng việc trồng rừng, nhưng diện tích đất rừng đã giao hết cho các hộ dân, phần còn lại đã giao cho các lâm trường, nông trường, công ty lâm nghiệp…
Mặt khác, nhiều chính quyền cơ sở không nêu cao ý thức trách nhiệm trong đôn đốc quản lý bảo vệ rừng. Nhiều xã coi đây là việc của ngành kiểm lâm. Lực lượng kiểm lâm thì quá mỏng trong khi diện tích rừng rộng lớn, địa hình phức tạp, xa địa bàn dân cư.
Để hạn chế và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng trên, thiết nghĩ, các huyện, xã phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ mục đích của việc quy hoạch và chuyển đổi một phần diện tính rừng khoanh nuôi tái sinh ít khả năng phòng hộ sang sản xuất; có giải pháp bố trí đất đai cho nhân dân sản xuất lương thực, trồng rừng, nâng cao đời sống, xoá đói giảm nghèo. Các nông – lâm trường, công ty lâm nghiệp cần phối hợp hiệu quả với người dân sở tại cùng phát triển vốn rừng và bảo vệ rừng. Chính quyền các xã cùng kiểm lâm tăng cường công tác quản lý, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, cũng cần xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể nhất là cán bộ, đảng viên hiểu rõ pháp luật mà vẫn phá rừng gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngọc Trúc