YBĐT – Chỉ còn ít thời gian nữa, Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc sẽ về. Tổ chức cho nhân dân một cái tết dân tộc vui vẻ, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế sôi nổi trong một năm mới là trách nhiệm, việc làm của các cấp, các ngành và các địa phương.
Tết cổ truyền dân tộc năm nay, niềm vui, phấn khởi càng nhân lên gấp bội khi chúng ta vừa tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp, chào mừng thành công Đại hội XII của Đảng. Đặc biệt, kết quả của ba mươi năm đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã “đơm hoa, kết trái”. Đất nước đổi thay, sự phồn thịnh đã hiển hiện trên từng vùng quê, trong từng mái nhà. Tết vui hơn khi cơm, áo, gạo, tiền không còn là nỗi lo chính của mỗi gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui đó, để xuân trọn vẹn thì cần nhiều việc phải làm. Trước tiên, là làm sao phải giảm thiểu được tai nạn giao thông (TNGT) trong dịp tết. Vì đã thành quy luật, cứ vào dịp này TNGT lại gia tăng. Nguyên nhân đã rõ, do nhu cầu đi lại của người dân gia tăng khi cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng; vi phạm trật tự an toàn giao thông gia tăng, đặc biệt liên quan đến việc sử dụng rượu, bia…
Nguyên nhân đã rõ, vấn đề đặt ra là làm sao giải quyết cho tốt. Có lẽ, việc quản lý của các cơ quan chức năng cũng như ý thức chấp hành luật của mỗi người dân khi tham gia giao thông sẽ là lời giải quyết định đến mối lo này. Tết sẽ không còn trọn vẹn nếu có những tai nạn đáng tiếc liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người! Bên cạnh an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là mối lo thường trực khi tết đến, xuân về. Lợi dụng nhu cầu sử dụng tăng cao, việc tư thương trà trộn đưa hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là các hàng liên quan đến thực phẩm như rượu, bia, bánh kẹo… vào buôn bán chắc chắn sẽ diễn ra. Điều này đặt cho cơ quan chức năng những vấn đề cần quan tâm giải quyết, vì trên thực tế đã có nhiều vụ việc liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người.
Tết đến xuân về, là dịp để từng gia đình được xum họp, đoàn tụ. Bên cạnh niềm vui chung của cộng đồng, đâu đó vẫn còn đó những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Theo thống kê, hiện nay vẫn còn trên 20% số hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh thuộc diện hộ nghèo. Vì vậy, với vai trò trách nhiệm, mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, vận động sự chia sẻ của cộng đồng để giúp mỗi hộ nghèo, hộ gia đình chính sách có một cái tết tươm tất để ai cũng ấm lòng đón mùa xuân mới.
Lo cho tết an toàn, vui vẻ, không thể không nói đến việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Mùa xuân cũng là thời điểm các địa phương tưng bừng tổ chức các lễ hội, đây chính là thời điểm phát sinh những tiêu cực, mất trật tự an toàn xã hội.
Bởi tại các lễ hội, tình trạng mê tín dị đoan và nhiều biến tướng nảy sinh qua việc xem bói, xem quẻ, đặc biệt là việc lên đồng quá nhiều tại một số điểm di tích đã ảnh hưởng đến nét đẹp văn hoá; nạn cờ bạc các trò vui chơi có thưởng, thực chất là cờ bạc trá hình nhằm “móc túi” du khách và việc tập trung đông người gây mất an toàn giao thông và vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ vẫn là nỗi lo.
Chưa nói đến, một số nơi xem di tích lịch sử, lễ hội là nguồn lợi của địa phương nên chỉ tập trung khai thác giá trị kinh tế mà làm phai mờ bản sắc văn hóa của lễ hội. Nhiều người dân vì quá coi trọng tín ngưỡng mà dành quá nhiều thời gian cho việc cầu cúng mà bỏ bê công việc, ảnh hưởng đến sản xuất, phát triển kinh tế gia đình…
Từ những vấn đề đặt ra, cùng đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo cho tết Nguyên đán và lễ hội mùa xuân 2016 thực sự có ý nghĩa vui tươi và lành mạnh là việc mà các cấp, các ngành, các địa phương cần tăng cường chỉ đạo trong thời gian này. Trong đó, giải quyết những mỗi lo và quan tâm tổ chức nhu cầu tinh thần của người dân là việc làm song hành. Khi chúng ta giải quyết triệt để mối lo, giải quyết thấu đáo nhu cầu người dân, chắc chắn tết Bính Thân sẽ tiếp tục là cái tết an toàn, vui vẻ và lành mạnh đối với người dân Yên Bái.
Đình Tứ