YênBái – YBĐT – Thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái”, phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Quỳnh – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT), Phó ban thường trực Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Yên Bái.
– Thưa ông, ông có thể đưa ra một vài con số cảnh báo về tình hình tai nạn giao thông (TNGT) những tháng gần đây?
Ông Vũ Văn Quỳnh |
+ Tai nạn giao thông những tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh diễn ra rất đáng lo ngại cả trên đường bộ, đường sắt và đường thủy. Trong 6 tháng qua trên đường bộ đã xảy ra 40 vụ, tăng 9 vụ; làm chết 40 người, tăng 11 người; bị thương 42 người, tăng 26 người so với năm ngoái. Đường sắt cũng xảy ra 2 vụ, tăng 1 vụ làm chết 2 người, tăng 1 người. Đường thủy xảy ra 1 vụ, tăng 1 vụ, tăng 1 người chết. Qua thực tế cho thấy 100% các vụ tai nạn xảy ra do người điều khiển; trong đó: mô tô 32 vụ (chiếm 80%), ô tô 7 vụ (chiếm 17,5%), đi bộ 1 vụ (chiếm 2,5%). Cũng theo số liệu thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tổng số người bị thương nhập viện do TNGT là 912 người. Có 10 người chết do chấn thương sọ não đều do không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.
– Theo ông thì đâu là nguyên nhân chủ yếu ?
+: Nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn là do các chủ phương tiện tham gia giao thông không đi đúng phần đường; thiếu chú ý quan sát chuyển hướng sai qui định; tránh vượt sai qui định, quá tốc đo,ä sử dụng rượu bia quá qui định, không nhường đường, phương tiện không đảm bảo giao thông. Từ những nguyên nhân này mà trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh còn xảy ra 235 vụ va quệt giao thông làm bị thương 350 người; hỏng 44 ô tô, 305 mô tô, 40 xe đạp. Ngoài ra còn có các nguyên nhân gián tiếp xuất phát từ yếu kém trong nhận thức và ý thức chấp hành của người tham gia giao thông. Vẫn còn tệ uống rượu, điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, không tập trung quan sát khi tham gia giao thông. Nhiều trường hợp còn đi sai luật, xử lý kém, không chấp hành tín hiệu đèn điều khiển giao thông, đi không đúng phần đường dành cho người đi bộ.
Công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT của các cấp ngành chức năng thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Một số đơn vị xây dựng công trình chưa chấp hành qui trình thi công trên đường đang khai thác. Tại một số nơi vẫn còn tình trạng vi phạm pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông, lấn chiếm hành lang, xây dựng công trình vĩnh cửu trên hành lang đường bộ trong khi các cấp chính quyền cơ sở chưa có biện pháp xử lý kịp thời. Công tác tuần tra, kiểm tra trật tự ATGT của các cấp ngành liên quan còn nhiều hạn chế; việc đôn đốc, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh sai sót chưa được làm thường xuyên. Các cấp chính quyền, đặc biệt là cơ sở chưa thực sự quan tâm tới công tác này.
* Để tái lấn chiếm hà nh lang an toàn giao thông (ATGT), chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm.* Gửi giấy báo về nơi quản lý cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; học sinh, sinh viên vi phạm ATGT. * Từ 1/9/2007, tất cả cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang phải đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường. |
– Ông có cho rằng, tuyên truyền là nhân tố quan trọng để giảm thiểu TNGT ?
+ Ban ATGT tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy ra Chỉ thị về “Tăng cường công tác quản lý trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh”; tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng “Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 32/2007/ NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái”. Thấy rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, Chương trình đã có kế hoạch cụ thể hóa nhiệm vụ tới các cấp ngành, tổ chức đoàn thể về công tác tuyên truyền. Các trường học đưa Luật ATGT vào chương trình giáo dục chính khóa, nhắc nhở học sinh chấp hành Luật vào giờ chào cờ đầu tuần, yêu cầu học sinh đến trường không có giấy phép không được điều khiển xe máy đánh giá, hạnh kiểm với học sinh vi phạm ATGT.
Ngành văn hóa – thông tin và các cơ quan thông tin đại chúng đổi mới nội dung tuyên truyền hướng trọng tâm vào Nghị quyết 32/2007/NQ-CP, qui định đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy; các qui định về đảm bảo hành lang ATGT; không uống rượu, bia khi đi xe máy; không điều khiển xe máy chở quá số người qui định; đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của người đi xe máy; học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có giấy phép không điều khiển xe máy…Có thể khẳng định, tuyên truyền là yếu tố quan trọng để toàn xã hội cùng vào cuộc nâng cao ý thức thực hiện pháp luật về ATGT để giảm thiểu TNGT.
Tai nạn giao thông diễn biến đáng lo ngại
– Chương trình hành động lần này như vậy sẽ thể hiện sự kiên quyết trong xử lý vi phạm về ATGT?
Đúng vậy. Từ 1/9/2007 tất cả cán bộ công chức, viên chức cơ quan nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến xã, phường, công nhân các doanh nghiệp, lực lượng vũ trang phải gương mẫu đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trên tất cả các tuyến đường. Còn từ 15/12/2007, tất cả mọi người dân phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trên tất cả các tuyến đường. Cảnh sát giao thông sẽ duy trì cao độ việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm. Tạm giữ xe máy 30 ngày trở lên nếu chở quá số người, lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát. Tạm giữ xe máy 90 ngày với những người chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe. Các nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy sẽ được thực hiện nghiêm. Bắt đầu từ 1/1/2008, đình chỉ lưu hành ô tô hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế…
Đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy – biện pháp giảm thiểu tử vong do TNGT. |
Cảnh sát giao thông thông báo các cán bộ, công chức, học sinh… vi phạm pháp luật về trật tự ATGT về nơi quản lý để kiểm điểm giáo dục. UBND các huyện, thị, thành phố giải quyết dứt điểm tất cả các trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trước 31/12/2007. Sở GTVT phát hiện và có biện pháp xử lý điểm đen trên các tuyến đường do tỉnh quản và kiến nghị với Bộ GTVT giải quyết các điểm thuộc công trình do trung ương quản lý; kiểm tra thu hồi giấy phép lái xe của cơ sở đào tạo không đảm bảo tiêu chuẩn. Thu hồi không thời hạn giấy phép của lái xe nghiện ma túy, lái xe khách chuyên nghiệp loại D, E nếu để xảy ra tai nạn nghiêm trọng hoặc chở quá 100% số khách qui định.
Chủ tịch UBND cấp huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm về việc tái lấn chiếm hành lang ATGT và để xảy ra tai nạn do các bến ca nô, đò ngang hoặc do ca nô đò ngang không đảm bảo an toàn sẽ bị xử lý kỷ luật theo qui định hiện hành; nếu TNGT nghiêm trọng, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý từ kỷ luật cách chức đến truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Xin cảm ơn ông!
Minh Đức