YBĐT – Theo quy định của pháp luật, vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ. Thế nhưng, thực tế rất nhiều đoạn vỉa hè bị lấn chiếm công khai, đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Điều này làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông vì người đi bộ buộc phải lưu thông cùng các phương tiện giao thông khác.
Mới đây, thành phố Yên Bái đã chi nhiều tỷ đồng để chỉnh trang đô thị. Trong đó, vỉa hè của nhiều tuyến đường chính trong thành phố đang được tập trung sửa chữa, làm mới cho khang trang, sạch đẹp hơn. Nhưng những vỉa hè đó lại đang bị lấn chiếm bởi nhiều mục đích khác nhau. Chỉnh trang đô thị không chỉ là làm mới, làm đẹp hơn những gì đã có mà cần phải trả lại vỉa hè một cách đúng nghĩa.
Theo quy định của pháp luật, vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ. Thế nhưng, thực tế rất nhiều đoạn vỉa hè bị lấn chiếm công khai, đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Điều này làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông vì người đi bộ buộc phải lưu thông cùng các phương tiện giao thông khác.
Hình ảnh phổ biến nhất là kinh doanh dịch vụ ăn uống như quán ăn, thức uống, đồ nhậu; bày bán hàng hóa, kinh doanh, mua bán, trông giữ xe các loại, thậm chí là sân đá banh, đá cầu của trẻ em. Hiện tượng này đã diễn ra nhiều nơi và nhiều năm, từ nội thị cho đến nơi vừa được quy hoạch cơ sở hạ tầng có vỉa hè.
Theo Nghị định 34/CP thì những hành vi kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường có thể bị xử phạt đến 25 triệu đồng. Nhưng trong thực tế thì chưa có trường hợp nào bị phạt như vậy. Dù biết lấn chiếm vỉa hè làm mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông và các phường, xã đã nhiều lần ra quân dẹp, thu giữ phương tiện hành nghề buôn bán, thế nhưng giống như “bắt cóc bỏ đĩa”, chỉ cần chính quyền địa phương lơ là, giảm tần suất kiểm tra là vỉa hè lại mẫn cán thực hiện “những nhiệm vụ không sai khiến” đó.
Có nơi đã vẽ vạch sơn hoặc lót gạch khác màu, quy định diện tích vỉa hè các tuyến đường để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, buôn bán có nơi đỗ xe, có lối đi bộ cho khách, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn rồi cái ranh giới mỏng manh ấy cũng bị xóa bỏ bởi sự cố tình. Bức xúc hơn cả là tại các khu vực chợ của thành phố, trong những giờ cao điểm hàng hóa tràn qua cả vỉa hè xuống lòng đường gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông.
Dù mức xử phạt tối đa 25 triệu đồng cho hành vi kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường theo Nghị định 34/CP nhưng vi phạm vẫn không giảm. Theo chính quyền địa phương, ngoài lý do nhiều hộ kinh doanh chây ỳ không chịu nộp phạt, việc xử phạt những đối tượng buôn thúng bán bưng, người nghèo cũng rất khó. Đa phần họ bỏ của chạy lấy người và chạy đến địa bàn khác tiếp tục bám vỉa hè để mưu sinh.
Luật đã có, lực lượng chức năng cũng đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự, kiểm tra, xử phạt nhưng dường như vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Điều bức xúc nhất của người dân, vỉa hè là công trình công cộng được Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư xây dựng, thế mà lại không được hưởng lợi từ những nơi này. Điều này vẫn còn là một thách thức lớn cần có lời giải trong trật tự giao thông đô thị.
Anh Dũng