YênBái – YBĐT – Nhận thức rõ hậu quả do tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông đem lại cho xã hội, cùng với việc hoàn thiện về hệ thống luật, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về vấn đề này. Đáng chú ý là Nghị quyết 13/NQ – CP của Chính phủ “Tăng cường các giải pháp kiềm chế tiến tới giảm dần tai nạn và ùn tắc giao thông”, Chỉ thị 22 – CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) kiềm chế và giảm TNGT”…
Dù không nóng bỏng như các địa phương khác, nhưng mỗi năm, Yên Bái cũng xảy ra hàng trăm vụ TNGT và hàng ngàn vụ va quệt lớn, nhỏ. TNGT đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, gây tổn hại về vật chất tinh thần cho nhiều gia đình và gây ảnh hưởng không tốt trong đời sống xã hội.
Chấp hành nghiêm những chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về ATGT, để lập lại TTATGT, giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn, hệ thống quản lý điều hành, chịu trách nhiệm về vấn đề ATGT của Yên Bái là ban ATGT từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên được kiện toàn, củng cố. Trong đó, Yên Bái đã có nhiều việc làm cụ thể như: ban hành nhiều văn bản để tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành thành viên trong quá trình hoạt động; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đơn vị, địa phương nếu để xảy ra vi phạm TTATGT ở địa phương đơn vị mình; đi đầu trong các giải pháp cụ thể như đội mũ bảo hiểm… Từ sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành đến vấn đề ATGT, lĩnh vực ATGT đã thu được nhiều kết quả.
Hưởng ứng Tháng ATGT quốc gia năm nay, cùng với xây dựng kế hoạch thực hiện Tháng ATGT, ngay từ những ngày đầu tháng 9, Ban ATGT tỉnh Yên Bái đã phối hợp với thành phố Yên Bái đã tổ chức lễ ra quân rầm rộ tại trung tâm thành phố. Mục đích từ cuộc ra quân này, sẽ lan toả tới khắp các địa phương để đạt mục tiêu giảm từ 15 – 20% số người chết, số vụ tai nạn và số người bị thương.
Trên thực tế cho thấy, với trách nhiệm của mình, các cấp, các ngành đã thực sự vào cuộc. Tại nhiều địa phương, cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo các lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt pháp luật về giao thông, tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm… Do vậy, tại các địa phương đó, TTATGT đã dần được lập lại đi vào nề nếp, số vụ TNGT đã giảm. Bên cạnh các địa phương có phong trào tốt, tại nhiều nơi, nhiều địa bàn, nơi có nhiều các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, tình trạng vi phạm TTATGT vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Đó là việc người dân ngang nhiên lấn chiếm hành lang giao thông, công trình giao thông để làm nhà, làm quán hay họp chợ trên lòng đường, vỉa hè gây ách tắc giao thông, gây mất mỹ quan đường phố; điều khiển phương tiện mô tô, xe máy đèo ba, bốn, không có giấy phép, không đội mũ bảo hiểm… Những biểu hiện trên xuất phát từ sự bàng quan, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền địa phương đó.
Chúng ta đã có chế tài cụ thể để xử lý những vi phạm luật giao thông, đồng thời đã có những quy định để xử lý trách nhiệm về Đảng, chính quyền về trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cấp uỷ, chính quyền không thực hiện tốt TTATGT. Trên thực tế, những vi phạm luật giao thông, ta đã xử lý nghiêm minh, nhưng trách nhiệm người đứng đầu lâu nay vẫn chưa được tính đến. Để lập lại TTATGT một cách bền vững, trong thời gian tới, trách nhiệm của người đứng đầu của đơn vị, tổ chức, địa phương cần được nâng cao hơn. Nhưng nơi để mất trật tự ATGT, gia tăng TNGT, trách nhiệm của người đứng đầu cần phải được xem xét, tính đến một cách cụ thể để xử lý. Có như vậy, vấn đề ATGT mới bền vững.
Nguyễn Đình