YBĐT – Với niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, cách đây 68 năm, lần đầu tiên cử tri cả nước nô nức đi bỏ phiếu để bầu ra 333 đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Ngày 6/1/1946 đã ghi vào lịch sử Việt Nam như một mốc son chói lọi. Cuộc Tổng tuyển cử thành công bầu ra QH đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây vừa là thành quả, vừa là yêu cầu đặt ra bức thiết của cách mạng Việt Nam. QH ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trải qua một chặng đường dài, QH đã khẳng định niềm tin tuyệt đối với Đảng với nhân dân, khẳng định tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần yêu nước của nhân dân cả nước. 68 năm kể từ khi ra đời, QH đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, ghi dấu lịch sử của đất nước.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử là dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam. QH khóa I đã xây dựng, thông qua bản Hiến pháp 1946 đầu tiên của đất nước, mở ra một thời kỳ mới lịch sử với giá trị đổi đời, từ đời nô lệ phụ thuộc thực dân sang làm chủ, giành lấy quyền, giành lấy độc lập, tự do của một dân tộc.
Đến nay, QH Việt Nam đã bước vào khóa XIII được nửa nhiệm kỳ. QH tập trung nhiều công sức, trí tuệ và thời gian để tiếp tục đẩy mạnh công tác lập pháp. Quy trình xây dựng pháp luật được đổi mới, số lượng văn bản luật được QH ban hành trong mỗi kỳ họp ngày càng nhiều hơn và chất lượng cũng ngày càng cao hơn. Các văn bản luật được ban hành đã quán triệt đầy đủ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra, tạo cơ sở pháp lý cho công cuộc phát triển đất nước.
Cùng với hoạt động lập pháp, QH ngày càng chú trọng và chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, về tổ chức bộ máy Nhà nước, về nhân sự, về kinh tế – xã hội, đối ngoại… QH tiếp tục được đổi mới và ngày càng thực chất hơn; các phiên họp đã được phát thanh và truyền hình trực tiếp, không khí cởi mở, đối thoại thẳng thắn, trách nhiệm giữa người chất vấn và người trả lời; những quan tâm bức xúc của cử tri được đại biểu đưa lên bàn nghị sự.
Năm 2014, kỷ niệm 68 năm QH Việt Nam trong điều kiện QH khóa XIII vừa hoàn thành kỳ họp thứ sáu đặc biệt quan trọng. Kỳ họp đã xem xét, thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). Hiến pháp sửa đổi lần này thể hiện niềm tin, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân với Đảng.
Điều đó đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định trong phát biểu bế mạc kỳ họp. QH, từng vị đại biểu QH đã làm việc tận tụy, hết mình với tinh thần khoa học, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ của đồng bào, chiến sĩ cả nước, cùng toàn dân tham gia hoàn thiện bản Hiến pháp năm 2013.
Đây là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Hiến pháp mới được QH thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2014. QH tiếp tục giao các cơ quan Nhà nước trong phạm vi chức năng của mình tổ chức thi hành Hiến pháp sửa đổi, kịp thời sửa đổi, bãi bỏ các văn bản trái với Hiến pháp sửa đổi; điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với quy định mới; triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp sửa đổi.
Cùng với QH, Chính phủ, việc quán triệt, triển khai thi hành Hiến pháp mới tiếp tục cần sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và của toàn dân. Các cấp, các ngành và nhân dân cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất để thực hiện và thi hành Hiến pháp, góp phần quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Huy Văn