YênBái – YBĐT – Ổ dịch tiêu chảy ở xã Kim Nọi vừa qua bùng phát và lây lan nhanh sang địa bàn 4 xã khác ở huyện Mù Cang Chải khiến 150 người mắc. Trước tình hình này, ngành y tế và chính quyền địa phương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp dập dịch, đến nay dịch cơ bản được khống chế.
Tuy nhiên, nhưng dự báo đưa ra là dịch bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá, lây truyền qua côn trùng trong khi khuyến cáo của ngành y tế là một số dịch bệnh khác có thể phòng ngừa bằng vắc xin tiêm chủng mở rộng vẫn có nguy cơ gia tăng trong mùa hè nắng nóng này.
Phòng chống dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp, các ngành, địa phương nhưng để đạt được mục tiêu thì phụ thuộc nhiều vào chủ thể quan trọng nhất chính là mỗi người dân. Khó khăn ở Yên Bái là tỉnh miền núi, nhiều đồng bào dân tộc, nhìn chung trình độ, nhận thức và ý thức phòng chống dịch bệnh chưa cao. Tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống là biện pháp đi đầu và hiệu quả nhất, tuy nhiên những nỗ lực của các cấp, các ngành và địa phương trong tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đem lại kết quả như mong muốn.
Những biện pháp phòng ngừa đơn giản như rửa tay bằng xà phòng, ăn chín, uống sôi, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn, nhất là trong những sinh hoạt đông người theo phong tục hay việc tiêm chủng phòng ngừa các dịch bệnh nguy hiểm vẫn chưa trở thành việc làm thường xuyên, có ý thức của nhiều người dân. Cơ quan chuyên môn, ngay từ đầu năm đã triển khai nhiều biện pháp dự phòng, phát hiện, khống chế, kiểm soát dịch bệnh nhưng vấn đề rất quan trọng và quyết định là ý thức, trách nhiệm tham gia, chủ động phòng ngừa của người dân có được nâng lên. Truyền thông đi đôi với các biện pháp dự phòng nhưng truyền thông có vai trò quan trọng hàng đầu vì nó tác động trực tiếp đến nhận thức, hành vi của người dân.
Vấn đề đặt ra là, truyền thông thường xuyên nhưng cần linh hoạt, đa dạng và phù hợp với đặc điểm phong tục và nhận thức của mỗi dân tộc, mỗi địa bàn cụ thể. Truyền thông trực tiếp qua hướng dẫn, gián tiếp qua các phương tiện nghe, nhìn, do vậy cần có sự tăng cường phối hợp hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm của ngành y tế với các cơ quan truyền thông trên cơ sở kế hoạch đã được ngành, tỉnh phê duyệt hàng năm; thông qua các chương trình, dự án tuyên truyền phòng ngừa dịch bệnh của bộ ngành, Chính phủ; chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về công tác phòng chống dịch bệnh; phối hợp tuyên truyền các thông điệp, hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh, nhất là các bệnh đang có nguy cơ gia tăng, bùng phát trong mùa hè như tay – chân- miệng, tiêu chảy, viêm não virut, sốt xuất huyết…
Phòng chống dịch bệnh nói chung, nhất là dịch bệnh mùa hè là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách. Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, nhiệm vụ không chỉ của riêng ngành y tế, của riêng từng địa phương mà vai trò, trách nhiệm của truyền thông và mỗi người dân đặc biệt quan trọng. Truyền thông phải đi trước và có sự đổi mới cho phù hợp đối tượng, vùng miền; người dân là đối tượng và cũng là chủ thể quan trọng phải có sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong công tác phòng chống dịch bệnh. Như vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh mới hiệu quả.
Quốc Khánh