YênBái – YBĐT – Hiện nay, thể loại truyện tranh dành cho thiếu nhi với nội dung chính là tình yêu và bạo lực có xu hướng bùng nổ mạnh mẽ. Điều đó ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển lành mạnh của thanh thiếu niên – lứa tuổi còn non nớt cần có sự định hướng tích cực để phát triển nhân cách.
Bước vào bất kỳ một quầy bán văn hóa phẩm, cho thuê sách truyện nào ở địa bàn thành phố Yên Bái thì khu vực truyện tranh luôn là khu đầy màu sắc nhất, thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc trẻ nhất. Tràn ngập trên giá là những tác phẩm đầy chất bạo lực, tình dục. Cuốn truyện tranh có thể rất hấp dẫn, bắt mắt về màu sắc, hình ảnh nhưng nội dung của nó lại là điều đáng bàn.
Bìa cuốn Master of the passion (Làm chủ đam mê) là đôi nam nữ được vẽ với hình ảnh lãng mạn, trong sáng nhưng tình yêu của họ trong nội dung truyện lại thật tầm thường. Truyện Hôn ước bí mật nằm trong sê-ri Nhật ký ngọt ngào xuất xứ từ Hàn Quốc (NXB Đà Nẵng) cũng tương tự. Chưa biết nội dung ra sao nhưng giở trang đầu tiên thấy ngay cảnh ôm nhau của hai đứa trẻ một trai, một gái, nội dung ướt át đến mức không thể chấp nhận.
Còn Hot Gimmic (NXB Trẻ) là câu chuyện kể về mối tình kiểu như tay ba giữa cô bé Hatsumi với Ryouky và Shinogu. Trang 94, tập 1 có lời thoại: “Con gái là thế, sự chống cự lúc đầu chỉ là phản xạ tự nhiên” và minh họa cho đối thoại đó là hình ảnh rất thiếu văn hóa. Shin – cậu bé bút chì (NXB Kim Đồng) giống như một cuốn cẩm nang dành cho các bậc làm cha làm mẹ trong việc giáo dục con cái.
Tuy nhiên, không hiểu giáo dục ra sao mà lại thấy trong truyện không thiếu những cảnh “nóng” khiến người lớn cũng phải đỏ mặt khi xem… Và còn không ít những cuốn truyện kể về chuyện yêu đương, tình cảm tuổi học trò như Trường nữ sinh, Công chúa nhân ngư…
Thị trường truyện tranh kiểu này đang phân chia thành hai dòng chính. Một là loại dành cho nữ với kiểu ẻo lả, ủy mị. Hai là loại truyện tranh võ hiệp, trong đó các nhân vật chính, tà đánh nhau trong mọi hoàn cảnh, tình huống, kể cả những chuyện yêu đương cũng bị bạo lực hóa.
Chỉ xem hình vẽ đã thấy không khí bạo lực bao trùm, các nhân vật đều được minh họa với vẻ mặt đằng đằng sát khí, tay lăm le không giáo thì gươm. Còn hành động của họ lúc nào cũng phải có âm thanh của binh khí kèm theo: “Roẹt… roẹt”, “bùm… bùm”, “keng”, “ầm”… khắp các trang. “Anh em để làm gì? Để có thêm người giết chết mọi kẻ cản đường, bước tới bá chủ thiên hạ” – cái “lý thuyết đầy máu” này xuất phát từ một cuốn truyện tranh tựa đề Bạo tộc X, hay những tác phẩm chứa đầy hận thù, phản bội và máu lửa như Vua quyền, Ragnarok, Song hùng kỳ hiệp, Túy quyền…
Điều đáng lo ngại là các em thiếu nhi tìm đọc những loại sách này khá đông. Nếu những tiêu chí để xuất bản truyện tranh là có tính giáo dục, thẩm mỹ, tri thức và giải trí thì chắc chắn tiêu chí về tính giáo dục của những truyện này không thể đáp ứng. Còn nếu chỉ nhằm mục đích giải trí thì phải chăng các nhà xuất bản đã “tầm thường hóa” sự giải trí của các em?
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng và hữu quan nên có những giải pháp tích cực để quản lý và góp phần làm trong sạch thị trường truyện tranh, một trong những kênh giải trí chính của thanh thiếu niên hiện nay. Bên cạnh đó, sự định hướng của các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh cũng là một yếu tố quan trọng giúp các em tìm đọc những tác phẩm thật sự lành mạnh, bổ ích.
Vũ Minh