YênBái – YBĐT – Mấy năm gần đây, cuộc sống có nhiều đổi thay, phát triển, giáo dục – đầu tư được coi trọng. Các gia đình quan tâm hơn đến việc học hành của con em. Đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, chứng kiến sự học của học sinh ngày nay mới thấy vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó có vấn đề “tự học” của các em.
Trước đây, nếu như học sinh ở nhà nhiều hơn ở trường, ở lớp thì bây giờ hoàn toàn ngược lại: thời gian học ở trường, ở lớp gấp nhiều lần ở nhà. Ngày 3 buổi: sáng, chiều và tối. Một buổi học chính khóa, buổi còn lại học bồi dưỡng, học thêm. Đêm thì học ngoại ngữ, tin học. Thật “chóng mặt” khi nhìn vào thời khóa biểu của các em, học suất này, suất khác, học môn này, môn nọ, nơi này, nơi khác… Thật “bận rộn” với chuyện “đi học”!. Thời gian đến lớp, đến trường, đến các trung tâm… gần như lấp kín nên thời gian tự học ở nhà bị rút ngắn lại, thậm chí không còn. “Học như thế chẳng biết các em học bài, ôn bài, làm bài tập vào lúc nào?”.
Trả lời câu hỏi này, học sinh thứ nhất cho biết: “Phải tranh thủ làm ngay trên lớp”, học sinh thứ hai tiếp lời: “Ở lớp học thêm, thầy giáo hoặc một số bạn đã làm, chỉ việc chép vào”… Đã có không ít em học theo kiểu ấy. Đối với học sinh thông minh, chăm học thì học như thế sẽ có tác dụng mở rộng, nâng cao kiến thức và khả năng tư duy sáng tạo trong cách giải bài tập, cách làm. Đối với học sinh yếu thì xem ra cách học này phản tác dụng. Bởi lẽ, có trên 50% học sinh “đi học” như là “cái mốt” chạy theo phong trào. Đến lớp, các em lơ đễnh, chẳng cần tư duy mà chỉ việc ngồi nghe và chép. Trong lúc đó, nhiều bậc phụ huynh chỉ việc cấp tiền cho con “đi học”, chẳng hề theo dõi hoặc kiểm tra, chấn chỉnh. Sự thật, một số học sinh suốt ngày “cắp sách” mà vẫn không giỏi.
…Mà còn phải tranh thủ học khi giúp bố mẹ việc nhà. |
Trong nhiều nguyên nhân, lý do chính có lẽ do các em chưa biết “tự học”. Những gì được tiếp thu ở trên lớp không dễ nhanh chóng biến thành “vốn” đối với người học. Đó mới chỉ là bước đầu của hoạt động nhận thức. Bởi nhận thức là một quá trình. Sau những bài giảng của thầy học sinh phải biết nhớ lại, ngẫm lại – nghĩa là biết mò mẫm, nhào nặn, kiểm nghiệm và tư duy – tức là quá trình “tự học”. Một học trò giỏi không đơn thuần là một học trò thuộc “rành rọt” các phương pháp, cách giải và các kết quả, đáp số của một bài tập người khác đã làm. Học trò giỏi là học trò mà trên cơ sở những gợi ý, hướng dẫn của ông thầy ở trên lớp để suy nghĩ, trăn trở tìm ra cách giải mới. Để giải được một bài toán buộc các em phải biết tìm tòi, ôn tập lý thuyết đã học, rồi liên hệ, liên tưởng… chính quá trình tìm tòi, động não đó sẽ khắc sâu vào trí nhớ, có tác dụng tích cực đến trí tuệ và năng lực của học sinh.
Hiện nay, chúng ta thấy rằng thị trường sách, tài liệu học tập thật là phong phú. Nhưng hình như vì quá chạy theo chuyện đi học ở lớp, ở trường nên nhiều học sinh gần như quên đi chuyện đọc sách và tài liệu cần thiết. Nhiều giáo viên dạy Văn phàn nàn: “Học sinh hiện nay rất ít khi đọc các tác phẩm văn học, thi ca trước lúc đến lớp. Việc học thuộc lòng một số bài thơ, câu văn có trong chương trình quả là rất khó đối với các em”…
Mấy năm gần đây, chúng ta đang chú trọng đổi mới phương pháp dạy – học của thầy và trò. Hướng đổi mới là phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của học sinh. Vậy thì, với kiểu học phổ biến như hiện nay, liệu học sinh có phải là thực thể chủ động trong quá trình học? Thiết nghĩ, đổi mới phương pháp dạy – học theo hướng phát huy tích cực chủ động của học sinh không chỉ thông qua giờ học ở lớp, ở trường trong mối quan hệ với thầy giáo mà điều quan trọng là phải biết “tự học” ở nhà. Biết tự học thì kiến thức mới chín, mới sâu, mới trở thành “máu thịt” của mình.
Mặt khác, cũng chính vì quá “bận rộn” với việc đi học nên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động giải trí có phần hạn chế. Nhiều em, vì quá chạy theo chuyện học phụ đạo, học thêm nên chẳng còn thời gian để tham gia vào các hoạt động tập thể. Thiếu sót đó hiện đang được ngành giáo dục khắc phục bởi những chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp nhưng hiệu quả hay không thì hãy… đợi đấy!
Chăm học là một điều tốt. Nhưng phải có phương pháp học, cách học, học lúc nào, học ở đâu và học như thế nào mới là điều quan trọng. Nên chăng, nhà trường và gia đình cần quan tâm hơn đến chuyện học của các em để đảm bảo tính khoa học và sư phạm. Nhắc nhở, khuyến khích, xây dựng thói quen “tự học” ở nơi người học là rất cần thiết. Có như thế mới hạn chế tình trạng đến trường, đến lớp một cách “qua loa”, không còn hiệu quả.
Vân Anh