YBĐT – Những năm gần đây, thực hiện các cuộc vận động: “Hai không”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện học sinh tích cực”… cùng với ngành giáo dục – đào tạo cả nước, ngành giáo dục – đào tạo Yên Bái đã triển khai các cuộc vận động và các phong trào thi đua đến các trường học, ngành học trong tỉnh, đạt được những kết quả quan trọng.
Đồng thời, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, các nguồn vốn lồng ghép của Trung ương, của tỉnh hàng trăm tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên để thầy và trò có điều kiện giảng dạy và học tập tốt hơn.
Theo đó, các trường học ở thành phố, thị xã, thị trấn được đầu tư khá đồng bộ từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến nguồn nhân lực, do vậy chất lượng giáo dục đã có sự chuyển biến rõ nét. Nhiều thầy cô giáo đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Tuy nhiên, nhìn toàn cảnh, chất lượng giáo dục – đào tạo ở Yên Bái vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là giáo dục vùng cao. Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện kinh tế – xã hội ở vùng cao còn rất khó khăn, cơ sở vật chất trường, lớp học, trang thiết bị chưa đảm bảo cho công tác giảng dạy và học tập; phong tục, tập quán lạc hậu, học sinh đi học không đều, nhiều trường tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần rất thấp… và một nguyên nhân chủ quan nữa là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên còn bất cập về trình độ, cơ cấu…
Để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo ở vùng cao, ngày 16/12/2009, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010- 2015. Qua gần 3 năm thực hiện, toàn tỉnh đã xây dựng, chuyển đổi được 38 trường phổ thông dân tộc bán trú (tiểu học và THCS), chủ yếu ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần và chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên.
Tuy vậy, hiện nay toàn tỉnh vẫn còn 37 trường học ở các xã vùng cao, xã vùng đặc biệt khó khăn và xã mới hoàn thành Chương trình 135 có học sinh bán trú. Thậm chí, một số trường nằm trong chương trình nhưng chưa chuyển đổi được do chưa được đầu tư cơ sở vật chất, một số trường có học sinh bán trú nhưng lại không nằm trong lộ trình chuyển đổi, học sinh vẫn phải ở trọ nhà dân hoặc đi về hàng ngày từ 3 – 5km. Đó là những yếu tố khiến Yên Bái khó có thể nâng cao được chất lượng giáo dục.
Năm học 2013 – 2014 đã đến, việc ưu tiên đầu tư các nguồn lực cho giáo dục vùng cao trong tỉnh là rất cấp thiết. Các địa phương cần quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, của các tổ chức, cá nhân… đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên đưa vào sử dụng. Mặt khác, cần nêu cao tinh thần tự lực tự cường, xã hội hóa công tác giáo dục, huy động nhân dân làm nhà ở, sửa sang trường lớp học để thầy và trò có điều kiện học tập tốt hơn.
Ngành giáo dục nên bố trí, điều động nguồn nhân lực “chất lượng” hài hòa giữa vùng thấp với vùng cao và đảm bảo chế độ ưu đãi kịp thời cho giáo viên tăng cường lên vùng cao; phối hợp với cấp ủy, chính quyền sở tại trong việc quan tâm hơn đối với ngành học mầm non; đầu tư xây dựng, tách trường mầm non độc lập, xây dựng các điểm trường mầm non tại các thôn, bản lẻ để học sinh dân tộc thiểu số được đến trường học tiếng phổ thông trước khi bước vào lớp 1… Có như vậy, chất lượng giáo dục ở vùng cao mới được nâng lên qua từng năm học.
Minh Hằng