YênBái – YBĐT – Ngày 4-4-2006, Ban thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã có Nghị quyết số 02-NQ/TU về phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè.
Sau hai năm triển khai thực hiện, nhìn chung từ vùng nguyên liệu đến sản xuất, chế biến đã được nâng lên, cuộc sống của trên 17 vạn nhân khẩu làm chè cơ bản được bảo đảm. Một số doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ, đi vào chế biến sâu đáp ứng cho đòi hỏi của thị trường…
Những nỗ lực đó không ai có thể phủ nhận được, nhưng nhìn một cách tổng thể, vùng chè vẫn chưa thực sự bật dậy và vẫn còn nhiều việc phải làm.
Mục tiêu của tỉnh đặt ra là phấn đấu đến năm 2010 sản xuất, chế biến chè đi vào chiều sâu, lấy chất lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế là chính; hình thành vùng sản xuất chè tập trung, có quy mô lớn, chất lượng cao, sản xuất với khối lượng hàng hóa lớn, gắn với chế biến chất lượng cao, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước; ổn định diện tích 13 ngàn ha, tổng sản lượng búp đạt 100 nghìn tấn, sản phẩm chế biến đạt 20-22 ngàn tấn; trồng mới 710 ha, còn lại tập trung trồng thay thế, cải tạo giống chè già cỗi bằng giống chè mới, chè nhập nội năng suất cao, chất lượng búp tốt đáp ứng cho nhu cầu chế biến. |
Các doanh nghiệp chế biến phải đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, chuyển từ chế biến chè thô sang chế biến chè tinh, xây dựng được 2 sản phẩm chè có thương hiệu trên thị trường, xuất khẩu trực tiếp 50% sản lượng chế biến; doanh thu từ chè đạt 300-350 tỷ đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 12-13 triệu USD; tạo việc làm ổn định cho 25 ngàn lao động nông nghiệp và trên 1.700 lao động công nghiệp, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động gián tiếp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Những mục tiêu đó không phải là quá lớn với một tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển chè như Yên Bái. Mặc dù là một địa phương nghèo, song tỉnh đã cố gắng hỗ trợ cho các đơn vị, người làm chè 9,7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và các ngân hàng cho vay đầu tư trên 60 tỷ đồng cho sản xuất, kinh doanh chè.
Tuy nhiên, hai năm qua, sản xuất, kinh doanh chè vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể nào. Mặc dù ngành nông nghiệp & phát triển nông thôn đã tiến hành rà soát, quy hoạch vùng sản xuất chè trên địa bàn thành hai vùng riêng biệt gồm: vùng sản xuất chè xanh với diện tích trên 5 ngàn ha thuộc huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, các xã vùng cao huyện Văn Chấn và một số xã vùng thấp của Trấn Yên, Văn Yên…; vùng sản xuất chè đen với diện tích 7.978 ha tập trung ở vùng thấp Trấn Yên, Văn Chấn và Yên Bình.
Quy hoạch là vậy, nhưng việc thực hiện quy hoạch lại là cả một vấn đề nan giải. Các doanh nghiệp, địa phương, người dân nằm trong khu quy hoạch hầu như không thực hiện theo mà vẫn phát triển theo kiểu “mạnh ai người nấy làm”. Diện tích trồng mới, trồng cải tạo đã thực hiện được được 1.216 ha, tuy đạt 55% so với diện tích cần cải tạo (trong đó có 300 ha chè lai, 103 ha chè Shan, 813 ha chè nhập nội) nhưng chất lượng trồng chưa cao và rất phân tán, không tạo được vùng chuyên canh, hàng hóa lớn.
Huyện nào, xã nào cũng nói đến trồng cải tạo, thay thế chè già cỗi bằng giống chè mới, chè nhập nội, nhưng mãi vẫn không thấy sản phẩm ở đâu? Người dân, doanh nghiệp đã chú trọng đến việc đầu tư thâm canh, song năng suất chè rất thấp, bình quân đạt 62,4 tạ/ha và với tốc độ tăng năng suất chậm như hiện nay, thì đến năm 2010 không thể đạt 120 tạ/ha so với mục tiêu nghị quyết. Chất lượng búp, thu hái vẫn không thể đáp ứng cho chế biến chè chất lượng cao mà chỉ sản xuất, chế biến chè phẩm cấp thấp.
Việc đổi mới công nghệ đã có chiều hướng tích cực, song không thật sự rõ nét, cơ cấu sản phẩm chè xanh, chè chất lượng cao còn thấp. Mặc dù đã có một số sản phẩm chè với chất lượng khá hơn như: chè xanh Liên Sơn, chè xanh Nậm Búng, chè Bát Tiên, chè Ô Long, chè đen CTC, nhưng số lượng rất ít, chưa thành hàng hóa lớn.
Hiện trên địa bàn có 67 đơn vị tham gia sản xuất chế biến chè với 88 nhà máy, sản lượng chế biến đạt trên 17 nghìn tấn trong năm 2007, nhưng cơ bản vẫn là chè bán thành phẩm. Sản lượng chế biến lớn là thế, song cả năm 2007 các doanh nghiệp xuất khẩu chưa đạt 1 nghìn tấn. Không xuất khẩu được, bán nội tiêu chủ yếu là thông qua các khâu trung gian… dẫn đến giá trị thấp.
Tính trong cả 2 năm, giá trị thu được từ bán nguyên liệu đạt 350 tỷ đồng, doanh thu từ các cơ sở chế biến đạt 500 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 33 tỷ đồng; thu nhập bình quân trên mỗi ha canh tác chè đạt 13 triệu đồng/ha… Đấy là những con số đáng phải suy nghĩ!
Một vấn đề không thể không nói đến là, mặc dù các doanh nghiệp vẫn tiêu thụ hết, song sản phẩm chè Yên Bái không có tên tuổi, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Việc tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại trong các doanh nghiệp chưa được cải thiện mà vẫn sản xuất, buôn bán theo kiểu giật gấu vá vai.
Hàng loạt các doanh nghiệp, cơ sở chế biến tạm bợ, dây chuyền công nghệ cũ kỹ, lạc hậu. Hiện nay mới chỉ có Công ty cổ phần Chè Phú Tân và Công ty cổ phần Chè Văn Hưng có dây chuyền sản xuất chè đen theo công nghệ CTC khá hiện đại, còn lại vẫn chủ yếu là dây chuyền cũ.
Những năm trước đây, các doanh nghiệp, huyện thị khi nói về khó khăn trong sản xuất kinh doanh chè đều đổ lỗi cho chất lượng nguyên liệu, rồi cơ chế, chính sách…
Nhưng đến nay, nghị quyết, đề án cơ chế chính sách phát triên chè đều đã có và hàng năm tỉnh chi hàng chục tỷ đồng hỗ trợ cho sản xuất, các ngân hàng tạo điều kiện cho vay tiền tỷ, vậy tại sao vùng chè vẫn chưa bật dậy, phát triển tương xứng với tiềm năng?
Có lẽ đã đến lúc các doanh nghiệp chè Yên Bái phải nhìn thẳng vào những tồn tại của mình như đã nêu trên để tạo nên sự đột phá, không thể kéo dài tình trạng cứ đổ lỗi cho giống chè, khó khăn của thị trường mãi được!
Hiền Lương