YênBái – YBĐT – Đến nay, số cán bộ Đoàn chủ chốt (Bí thư, Phó bí thư) ở các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh Yên Bái có độ tuổi từ 30 đến trên 40 chiếm 57,43%, trong đó độ tuổi từ 30 – 35 chiếm 40,5%, số 36 – 40 chiếm 16,7% và trên 40 chiếm 0,23%. Nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong công tác luân chuyển cán bộ Đoàn nên dẫn đến tình trạng “U40. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp nào cho đầu ra của cán bộ Đoàn đã trưởng thành Đoàn mà chưa được luân chuyển sang công việc khác cho phù hợp?
Những “ông ngoại, ông nội” làm cán bộ đoàn
Hiện nay nhiều huyện đoàn như Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Mù Cang Chải… cán bộ có độ tuổi 35 – 40 làm cán bộ Đoàn ở các xã còn chiếm tỷ lệ khá cao, thậm chí nhiều người đã có con lớn lấy vợ, gả chồng và có cháu những vẫn được bố trí làm công tác Đoàn. Vậy thì làm sao mà phong trào thanh niên phát triển được, đây là một vấn đề các cấp ủy Đảng cần cần quan tâm xem xét. Riêng huyện đoàn Văn Yên hiện có trên 23 nghìn đoàn viên thanh niên sinh hoạt ở 49 cơ sở đoàn, trong đó đoàn xã, thị trấn 27, khối cơ quan 22.
Trong số 27 Bí đoàn xã, thị trấn thì có tới 5 đồng chí có tuổi đời trên 40, từ 36 – 40 có 6 đồng chí, từ 30 – 35 có 15 đồng chí. Làm công tác đoàn từ những năm 1996, anh Bàn Văn Khuyên sinh năm 1963, hiện đang giữ chức Bí thư đoàn xã Mỏ Vàng luôn năng nổ, nhiệt huyết nên nhiều năm liền công tác đoàn nơi đây có nhiều chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, đó là thời mà anh Khuyên ở các tuổi ngoài 30. Khi bước sang tuổi 40, kinh nghiệm có, độ năng nổ, nhiệt tình nhưng độ tuổi lên chức “ông ngoại, ông nội” mà chưa được luân chuyển sang một cương vị khác phù hợp với độ tuổi nên các hoạt động về công tác thanh niên trong những năm gần đây không còn sôi nổi và hiệu quả.
Không chỉ ở Mỏ Vàng, mà công tác đoàn xã Châu Quế Thượng trong thời gian qua cũng không có gì mới mẻ. Dường như mọi hoạt động đều cầm chừng, bởi thủ lĩnh đoàn nơi đây đã bước sang tuổi 46 và lên chức “ông ngoại”. Tâm sự với chúng tôi, hai thủ lĩnh đoàn của Mỏ Vàng và Châu Quế Thượng cho biết: Thực chất, chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm trong công tác đoàn nhưng xét về độ tuổi thì không còn phù hợp, bởi ở tuổi 46 không còn phù hợp và hoà hợp với tuổi 16, 20 nữa.
Tâm sự của anh Khuyên và anh Đinh Công Ba ở Châu Quế Thượng cũng là nỗi niềm của anh Lê Văn Thọ sinh năm 1967, Bí thư đoàn xã Phong Dụ Hạ, Bàn Phúc Hín, sinh năm 1967, Bí thư đoàn xã Viễn Sơn, Nguyễn Văn Chiến, sinh năm 1968, Bí thư đoàn xã Yên Hưng (Văn Yên) hay anh Ninh Đức Nhật sinh năm 1968, Bí thư đoàn xã Vũ Linh, Nguyễn Thái Quang sinh năm 1971, Bí thư đoàn xã Thịnh Hưng, Trần Văn Hưng sinh năm 1971, Bí thư đoàn xã Đại Minh (Yên Bình); hay ở huyện Mù Cang Chải, độ tuổi cán bộ đoàn từ 30- 40 chiếm trên 64 %…
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến việc chậm luân chuyển cho đội ngũ cán bộ đoàn quá tuổi này? Anh Nguyễn Minh Cường – Bí thư Huyện đoàn Văn Yên cho biết: “Năm 2006, đoàn công tác của huyện đã trực tiếp làm việc với Đảng uỷ hai xã Mỏ Vàng và Châu Quế Thượng về công tác Đoàn, trong đó trọng tâm là việc luân chuyển cán bộ Đoàn. Về nguyện vọng của hai đồng chí Khuyên và Ba đều muốn chuyển sang một cương vị mới nhưng không chuyển được vì trình độ chuyên môn còn hạn chế, nếu chuyển sang làm một trưởng ngành nào đó trong xã thì trình độ không cập.
Mặt khác, vị trí trưởng các ngành đã đủ số lượng và định biên nên không thể bố trí và luân chuyển được”. Về vấn đề này, chúng tôi nghĩ rằng: Tại sao cứ nhất thiết phái bố trí trưởng các đầu ngành mà xã không có quy hoạch cho đi đào tạo bồi dưỡng để phát triển? Đây cũng là một vấn đề mà các địa phương cần chú trọng xem xét để có hướng đi thích hợp.
Chuyện cũ mà vẫn nóng
Hiện nay, công tác cán bộ đoàn ở một số địa phương còn lúng túng, thụ động, chưa có sự quan tâm đúng mức tới đội ngũ cán bộ làm công tác thanh niên. Tại các cơ quan chuyên trách do số biên chế hạn chế, số cán bộ quá tuổi chậm được luân chuyển nên số cán bộ trẻ bổ sung còn ít, chất lượng và năng lực cán bộ còn hạn chế, nhiều cán bộ chưa có bằng cấp hoặc đang đi học các lớp tại chức. Đến nay, số cán bộ đoàn chủ chốt (Bí thư, phó bí thư) ở các xã, phường thị trấn trong toàn tỉnh có độ tuổi từ 30 đến trên 40 chiếm 57,43%, trong đó độ tuổi từ 30 – 35 chiếm 40,5%, số 36 – 40 chiếm 16,7% và trên 40 chiếm 0,23%. Nhiều địa phương còn gặp khó trong công tác luân chuyên cán bộ Đoàn nên dẫn đến tình trạng “U40” mà vẫn giữ trọng trách về công tác thanh niên.
Nói về những nguyên nhân khiến việc luân chuyên cán bộ đoàn chậm và khó khăn, đồng chí Hoàng Hữu Độ – Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: “Trước hết, đầu vào của cán bộ đoàn còn thấp nên dẫn đến trình độ chuyên môn của của đội ngũ này nhiều hạn chế; thứ hai, do định biên của cấp xã có hạn, trong khi đó các chức danh trong bộ máy hoạt động của xã đã đủ. Thứ ba, một số cán bộ năng lực hoạt động còn hạn chế, trong quá trình công tác chưa sắp xếp được thời gian để học, nâng cao trình độ đáp ứng các tiêu chí về chức danh công chức xã, phường, thị trấn”.
Đào tạo cán bộ cần giải pháp hiệu quả
Bám sát nội dung của Nghị quyết Trung ương 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; Nghị quyết số 02 – Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khoá VIII về công tác cán bộ Đoàn trong thời kỳ đổi mới, năm 2004, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã tham mưu cho Tỉnh ủy Ban hành Quyết định số 674 QĐ/TU về ban hành Quy định công tác cán bộ Đoàn, tỉnh Yên Bái đã tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thu hút đội ngũ cán bộ có năng lực về tham gia công tác đoàn.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên số lượng cán bộ trẻ về cống hiến cho Yên Bái còn quá ít. Thiết nghĩ, giải pháp lựa chọn, đào tạo cán bộ Đoàn nên, quan tâm những học sinh tốt nghiệp THPT, có lòng nhiệt tình, đặc biệt chú trọng vào các học sinh đã từng làm bí các chi đoàn trong nhà trường, ở các địa phương. Có chính sách đào tạo và bố trí đội ngũ cán bộ trẻ kế cận về công tác tại các xã, thị trấn.
Ngoài ra, các cấp uỷ chính quyền ở cơ sở cần phải quan tâm tới đội ngũ cán bộ Đoàn, không chỉ ở việc tạo điều kiện cho họ thể hiện năng lực, trách nhiệm trong công tác, mà còn đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan trong việc quy hoạch, luân chuyển cán bộ trẻ.
Đối với các bí thư đoàn đến tuổi trưởng thành, có năng lực, trình độ, uy tín thì các cấp ủy ở cơ sở cần bố trí với các chức danh tương xứng, những cán bộ đoàn còn hạn chế thì không nhất thiết phải bố trí tương đương cấp trưởng ngành mà có thể phó ngành ở xã. Vả lại, trong thời gian cán bộ làm công tác Đoàn, Đảng uỷ xã cần bố trí cho cán bộ đi học tập bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ để đào tạo phục vụ công tác lâu dài trong bộ máy Đảng và chính quyền ở địa phương. Có như vậy, công tác đoàn ở cơ sở mới được vững mạnh, đi vào chiều sâu và mới phát huy được tình năng động của tuổi trẻ.
Văn Tuấn