YBĐT – Hiện nay, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đang xét duyệt danh hiệu văn hoá năm 2011 và đề xuất thu hồi danh hiệu văn hóa một số gia đình, thôn, bản đã công nhận danh hiệu văn hóa mà thực sự chất lượng thấp. Có thể nói đây là một động thái tích cực để lấy lại chất lượng và uy tín của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ” được phát động trên cả nước đến nay đã sang năm thứ 11.
Thực hiện phong trào này, đến nay, toàn tỉnh đã có 149.066/177.590 hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt 84%); 1.390/2.323 thôn, bản, tổ dân phố văn hóa (đạt 56%); 1.300/1.430 cơ quan, đơn vị văn hóa (đạt 90%).
Qua phong trào đã khẳng định việc xây dựng và phát triển đời sống văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng, đáp ứng nhu cầu thiết thực của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh trật tự xã hội, góp phần hình thành tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa trong mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng theo hướng tiến bộ, văn minh.
Cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở Yên Bái ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng; cơ bản thực hiện đạt tiêu chí của gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa và đã hình thành được mẫu hình gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, vượt đói nghèo vươn lên làm giàu, gắn bó tình làng nghĩa xóm, chấp hành tốt các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, giữ vững an ninh chính trị, bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ môi trường xanh – sạch- đẹp.
Tuy nhiên, qua thực tế ở các địa phương cho thấy, bên cạnh những kết quả, cuộc vận động còn một số tồn tại, hay nói khác đi: Văn hóa mà chưa thực sự… “văn hóa”! Bởi, phong trào có nơi còn “nặng” số lượng mà “nhẹ” chất lượng, mang tính hình thức hoặc lạm dụng danh hiệu văn hóa để lấy thành tích. Có nơi lại triển khai không đúng qui trình ngay từ khâu tuyên truyền phổ biến các tiêu chí văn hóa để người dân, thôn bản đăng ký, cuối năm, đến khi bình chọn không đưa ra dân để xem xét tham gia mà cấp ủy, chính quyền tự “nghị quyết nội bộ”, hàng năm chỉ tiêu cấp trên giao đạt tỷ lệ bao nhiêu phần trăm, bao nhiêu gia đình, thôn, bản, đơn vị văn hóa thì cuối năm lập danh sách cho số liệu đạt hoặc vượt kế hoạch. Việc bình xét danh hiệu văn hóa thiếu công khai, tổ chức tuyên dương chậm, không khuyến khích được nhân tố tiêu biểu. Tuyên dương danh hiệu văn hóa mà trong đó có những gia đình không xứng đáng lại được công nhận làm cho cuộc vận động yếu đi, phản tác dụng.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, sâu sát của cấp ủy, chính quyền cùng cấp, khoán trắng cho một ngành hoặc ban chỉ đạo dẫn đến chất lượng cuộc vận động thấp. Đề xuất của ngành văn hóa – thể thao và du lịch trên đây cũng xuất phát từ thực trạng chung, không riêng một địa phương nào trong cả nước.
Vì vậy, ngoài xem xét, đánh giá lại các danh hiệu văn hóa, trong thời gian tới, các cấp, các ngành hữu quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rõ hơn các bước thực hiện, quan trọng là giáo dục cho người dân đưa thực hiện phong trào thành ý thức tự giác thì danh hiệu văn hóa mới thực sự có ý nghĩa. Đồng thời, các cấp chính quyền cùng ban chỉ đạo phong trào cần có sự phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo thực hiện. Ngoài ra, cũng cần có sự khảo sát nhằm đánh giá một cách nghiêm túc để rút ra bài học kinh nghiệm về công tác chỉ đạo để phong trào đạt kết quả như mong muốn.
Quang Thiều