YBĐT – Tình trạng mất vệ sinh môi trường ở nông thôn Yên Bái hiện nay đang trở thành vấn đề nan giải. Đề cao vai trò “đầu tàu gương mẫu” của cán bộ, đảng viên trong xây dựng các công trình vệ sinh để nhân dân học tập, làm theo ở xã Lâm Thượng (Lục Yên) hay huyện vùng cao Trạm Tấu là việc làm cần được nhân rộng.
Chắc hẳn những người sống ở thành thị nghe chuyện cán bộ, đảng viên gương mẫu làm các công trình vệ sinh như: nhà tắm, nhà vệ sinh và chuồng chăn nuôi gia súc có hố chứa phân thì thấy đó là chuyện đương nhiên, nhưng nó là việc không phải một sớm, một chiều có thể giải quyết được ở nông thôn vùng cao, vùng xa. Bởi bao đời nay, người dân ở đây đã quen với cách sinh hoạt không cần công trình vệ sinh. Trâu, bò, lợn, gà buộc ngay dưới gậm sàn nhà. Không cần hố xí, nhà tiêu, xung quanh nhà chỗ nào tiện cũng có thể trở thành nơi đi vệ sinh được và chó, lợn nuôi thả, mà người ta vẫn đùa là những chiếc “toilet” di động…thu dọn. Mùi phân tươi, nước thải của gia súc, gia cầm nồng nặc, kéo theo là ruồi, bọ sống chung với con người làm lây truyền dịch bệnh. Nhưng cách sinh hoạt này đã trở thành hủ tục ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân.
Năm 2009 ở một số xã bệnh tiêu chảy cấp có phẩy khuẩn tả nguy hiểm cùng nhiều dịch bệnh khác đã xuất hiện, cảnh báo không thể lơ là trong công tác vệ sinh môi trường ở nông thôn.
Thấy rõ tác hại của việc mất vệ sinh ở nông thôn có khả năng gây hậu hoạ khôn lường với cuộc sống, những năm gần đây nhiều địa phương ở Yên Bái đã đưa tiêu chí về vệ sinh môi trường vào thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam phát động. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tích cực xây dựng làng, bản văn hoá; thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã…
Nhưng xem ra, việc thực hiện còn nửa vời, chiếu lệ.
Đây là hậu quả của sự thiếu nhiệt thành vào cuộc của các ngành, đoàn thể liên quan ở cơ sở. Đặc biệt là sự thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên ngay trong chính nhà mình chưa có công trình vệ sinh, cẫn buộc gia súc dưới gầm sàn lại đi vận động nên … dân không làm theo.
Để đạt xã chuẩn quốc gia về y tế đảm bảo chất lượng, mọi người dân đều tích cực xây dựng làng văn hoá, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên đã đặt ra tiêu chí gia đình cán bộ, đảng viên đều phải gương mẫu xây dựng các công trình vệ sinh để thực hiện việc đánh giá tổ chức Đảng, đoàn thể cơ sở trong sạch vững mạnh, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Mới đây, huyện vùng cao Trạm Tấu đã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân làm chuồng trâu, chuồng bò, chuồng lợn và nhà vệ sinh ra xa nơi ở. Mục tiêu phấn đấu trong năm 2010 toàn huyện có 60% số hộ có nhà vệ sinh; các hộ nuôi trâu, bò, lợn đều có chuồng trại chăn nuôi; 20% số hộ có nhà tắm; các cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế, trụ sở UBND các xã, thị trấn có đủ các công trình nhà vệ sinh và khuôn viên sạch đẹp.
Hát Lừu là xã gần trung tâm huyện nhất sẽ thực hiện không còn hộ nào buộc trâu, bò dưới gậm sàn; 60% số hộ được dùng nước sạch. Nhưng để làm gương, 100% cán bộ, công chức xã, trưởng thôn, bản, đảng viên phải có đủ 3 công trình: nhà vệ sinh, chuồng trâu, bò và chuồng lợn để bà con làm theo.
Chuyện cán bộ, đảng viên ở xã, thôn, bản gương mẫu, đi đầu làm các công trình vệ sinh ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng sâu, vùng xa đã đến lúc không thể bó hẹp ở một địa phương nào. Cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các xã, thị trấn đặc biệt là vùng cao, vùng xa cần đưa việc làm các công trình vệ sinh gắn với bình xét thi đua, tạo ra động lực để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng phấn đấu vì một môi trường sống văn hoá, trong lành.
Minh Đức