YênBái – YBĐT – Đã từ lâu, việc thả rông gia súc là nguyên nhân cơ bản gây ra ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là các bệnh ngoài da, bệnh đường ruột.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân để cải thiện tích cực hoạt động vệ sinh môi trường, năm 2005, nhờ nguồn vốn hợp phần ngân sách thuộc Dự án Giảm nghèo, xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái được đầu tư xây dựng 2 chuồng nuôi nhốt gia súc tập trung tại 2 thôn Háng Tây và thôn Pá Lau, mỗi chuồng có tổng kinh phí đầu tư 24 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay công trình không phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã có buổi làm việc với chính quyền xã Pá Lau và một số hộ dân thuộc 2 thôn nói trên. Cách trụ sở UBND xã không xa là chuồng nuôi nhốt gia súc tập trung thôn Pá Lau. Chuồng được xây dựng kiên cố, mái lợp phi brô xi măng có thể nuôi nhốt tập trung từ 15 – 20 con trâu bò, trên một bãi đất trống khá bằng phẳng.
Ông Thào A Chống, Chủ tịch UBND xã Pá Lau cho biết: Sau khi công trình hoàn thành, nhân dân tỏ ra vui mừng vì từ nay có chuồng nuôi nhốt gia súc riêng, không phải buộc gần nhà gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên ngay sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng một thời gian ngắn, người dân đã tỏ ra không mấy mặn mà! Theo thiết kế, mỗi công trình nuôi nhốt tập trung chứa được từ 15 – 20 con trâu bò nhưng thực tế mỗi ngày chỉ có từ 6 – 7 con trâu bò nhốt ở đây.
Phải chăng nơi này không thích hợp? Một số người dân cho biết: Trước khi xây dựng công trình, ngành chức năng đã cân nhắc kỹ và nghiên cứu đến thói quen của gia súc, đó là thường tập trung về bãi đất rộng bằng phẳng này nghỉ qua đêm một cách ngẫu nhiên. Mặt khác, chỗ đất này lại cách xa khu dân cư nên sẽ không gây ô nhiễm môi trường (!?). Vậy thì tại sao?
Cũng thiết kế và giá trị tương tự nhưng khác với thôn Pá Lau, chuồng nuôi nhốt gia súc ở thôn Háng Tây có diện tích hoa màu bao bọc xung quanh nên có gia đình rào chắn cẩn thận đến mức lối đi vào công trình phải thu hẹp lại. So với công trình thôn Pá Lau, công trình này có quy mô nhỏ hơn. Cách công trình chừng 15 phút đi bộ là nhà anh Giàng A Sùng. Nhà anh có một con trâu, lúc chúng tôi đến thấy vẫn buộc sát đầu nhà. Anh bảo: “Nhà mình chỉ có một con trâu thôi, để đấy sợ mất trộm lắm nên mình không nhốt đâu”. Gần nhà anh Sùng, nhà anh Giàng A Thanh cũng một con trâu buộc ngay đầu nhà.
Anh Thanh biện lý do: “Mình chỉ có một con trâu, phải đi làm suốt, nhà mình không ở gần chuồng do Nhà nước xây, mang trâu xuống đấy nhốt thì mất thời gian lắm. Với lại, trâu nhà mình không cùng đàn nên nó đánh nhau không chịu ở đâu”. Được biết, hàng ngày ở các công trình nuôi nhốt tập trung chỉ có 1 – 2 gia đình đem trâu bò đến, là những hộ có nhiều gia súc hoặc ở gần công trình, còn lại thì hầu như không.
Có nhiều lý do nhưng tựu chung lại là do công trình ở xa khu dân cư, không thuận tiện cho việc chăn thả, các hộ sợ mất trộm. Một lý do nữa là công trình ở gần các diện tích hoa màu của một số hộ dân nên những hộ này không đồng tình khi gia súc đem đến đây.
Cùng với việc xây dựng chuồng nuôi nhốt gia súc tập trung, Dự án hợp phần ngân sách xã còn đầu tư xây dựng chuồng nuôi lợn ở một số hộ gia đình thuộc 4/5 thôn bản của xã, gồm: Pá Lau, Háng Tây, Giao Chu và Tàng Ghênh, mỗi chuồng trị giá 4 triệu đồng. Một lần tận mắt chứng kiến mới thấy các công trình đã lãng phí thế nào.
Anh Thào A Sinh ở thôn Tàng Ghênh được xây một chuồng lợn 2 ngăn, mái lợp phibrô xi măng kiên cố nhưng lợn nhà anh thả rông, con chỗ này, con chỗ khác chạy khắp nhà. Anh bảo: “Nhốt vào chuồng, lợn toàn gầy ốm, lợn con thì chết hết”. Dù được xây dựng cách đây đã hơn 2 năm nhưng hầu hết các công trình này vẫn còn mới.
Thay vì nhốt lợn, các công trình này biến thành nơi để củi, để rác và lợn đương nhiên vẫn cứ thả sức tung tăng mọi nơi đến mức được gọi là “máy ủi”. Lý do mà người dân đưa ra hết sức đơn giản. Đó là khi nhốt lợn vào chuồng thì lợn gầy đi, lợn con thì chết nên không nhốt nữa lại thả rông thôi”.
Chủ tịch UBND xã Thào A Chống phân tích rất rõ ràng: Không phải chuồng do Nhà nước xây làm lợn gầy, lợn chết mà do bà con quen thả rông mặc nhiên cho lợn “đào bới” được thứ gì ăn thứ đó, việc người nuôi cho ăn chỉ là phụ, giờ nhốt chúng vào chuồng, chúng không tự tìm thức ăn được mà thức ăn người cho không đủ, nói cách khác là không có sự đầu tư chăm sóc nên lợn gầy, ốm chết là lẽ đương nhiên.
Trên đây chỉ là hai trong nhiều ví dụ điển hình về việc đầu tư các công trình quốc kế dân sinh cho vùng cao không thực sự gắn với điều kiện tập quán của đồng bào, nhận thức hạn chế làm ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đặc biệt trong việc chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế ở vùng cao.
Thả rông gia súc là một thói quen đã có từ lâu của đồng bào vùng cao. Thay đổi thói quen vốn ăn sâu vào trong tiềm thức của nhân dân không phải một sớm một chiều mà đòi hỏi phải có một quá trình. Quá trình đó là sự tuyên truyền gắn với những việc làm thực tế.
Cùng với đó, việc đầu tư bước đầu cũng phải đồng bộ ở các khâu. Ví như, khi nhận thức của người dân còn hạn chế, đầu tư nuôi nhốt phải cùng với đầu tư một phần thức ăn thì dần dần đồng bào mới có ý thức tự lực, không đổ tại trời hay ỉ lại vào Nhà nước nữa! Có như thế, mọi chủ trương, đường lối, chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước đối với người dân mới thực sự phát huy hiệu quả.
Thu Hằng