YênBái – YBĐT – Nhằm từng bước xóa đói, giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn, từ năm 1999 huyện Lục Yên xây dựng Dự án phát triển chè ở 7 xã dọc quốc lộ 70 với diện tích 300 ha. Đây là những xã có nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao sinh sống, ruộng nước có ít song lại có thế mạnh là nhiều đất đồi gò, do vậy huyện lấy cây chè là cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo.
Cây chè không phải là cây trồng mới, nhưng đối với đồng bào dân tộc các xã như: Trung Tâm, Khánh Hoà, Phúc Lợi, Trúc Lâu, An Lạc, Tô Mậu thì quả là mới mẻ. Để tạo điều kiện cho bà con nông dân, Lâm trường Lục Yên đã đầu tư xây dựng nhà máy, vừa tổ chức ký kết hợp đồng trồng và tiêu thụ với hầu hết các hộ trồng chè trong vùng dự án. Một mặt tổ chức sản xuất cung ứng giống chè lai, chè nhập nội, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ trồng mới. Cơ chế chính sách rất thuận lợi như vậy, nhưng người dân nơi đây có lẽ chỉ quen với công việc lên rừng chặt củi, bẻ măng, còn việc trồng chè, phát triển chè thành vùng nguyên liệu thì rất chậm.
Để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy, năm 2006, Lâm trường Lục Yên xây dựng dự án trong ba năm trồng mới 260 ha bằng giống nhập nội, nhưng đã qua hai năm mới trồng được 140 ha. Năm 2007, huyện Lục Yên được tỉnh giao kế hoạch trồng mới 100 ha chè bằng giống chè nhập nội và chè lai nhưng đến nay cũng chỉ trồng được trên 60 ha và là huyện duy nhất trong tỉnh không hoàn thành kế hoạch. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới Lục Yên không hoàn thành kế hoạch trồng chè trong năm 2007?
Để tìm hiểu vấn đề này chúng tôi đã đến xã Khánh Hoà, Phúc Lợi, Trúc Lâu, qua tìm hiểu được biết hầu hết người dân nằm trong vùng dự án còn rất nghèo, nhất là đồng bào dân tộc Dao đỏ, Dao trắng. Mặc dù đất đai thì nhiều nhưng bà con không trồng chè mà trồng ngô, trồng sắn. Chị Bàn Thị Chú – người dân tộc Dao nói: “Trồng chè mất nhiều tiền lắm, mà phải hai, ba năm mới cho thu hoạch thì lấy gì mà ăn, mình cứ trồng sắn, trồng ngô nhanh cho thu hoạch mà giá cũng cao lắm. Mặc dù nhà nước cho vay tiền trồng chè đấy, nhưng không dám vay sợ trả lãi, cùng với mắc nợ với nhà nước sợ lắm”. Khác với gia đình chị Chú, gia đình anh Hoàng Văn Bình thôn 6 xã Khánh Hoà thì rất muốn trồng chè, đặc biệt là chè giống nhập nội nhưng không có vốn. Đầu năm 2007, gia đình anh Bình đã phát nương, làm đất được 3 sào rồi nhưng không có vốn mua giống, phân về trồng. Gia đình rất muốn vay vốn ngân hàng để trồng, nhưng do những năm trước gia đình đã vay ngân hàng để chăn nuôi, nay đã quá hạn mà vẫn không trả được, ngân hàng không cho vay nữa.
Tương tự, gia đình anh Hoàng Văn Khất cũng đang có dư nợ quá hạn tại ngân hàng, do vậy không thể vay tiền dự án trồng chè được. Trong khi trồng chè bằng giống nhập nội cần rất nhiều vốn, không tính phát nương, tiền đất mà chỉ tính tiền giống, phân bón thôi thì mỗi ha cần từ 22-25 triệu đồng. Với một số vốn như vậy, không phải hộ nào cũng có đủ điều kiện, nếu không được vay vốn ngân hàng.
Không phát triển được vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến chè xanh xuất khẩu Lâm trường Lục Yên với công xuất 10 tấn/ngày cứ phải chờ nguyên liệu. Ông Nguyễn Quang Trịnh – Giám đốc lâm trường cho biết: “Trong cả năm 2007 nhà máy thu mua được trên 100 tấn chè búp tươi và đã chế biến được 25 tấn chè xanh thành phẩm. Trong đó có 3 tấn chè bằng giống nhập nội”. Ông Trịnh cho biết thêm, Lâm trường đã tìm được nơi tiêu thụ sản phẩm ổn định với một đối tác nước ngoài, nhưng tiếc rằng không có nguyên liệu để sản xuất. Mặc dù nhà máy đã tiến hành ký hợp đồng với các hộ dân làm chè, tiêu thụ ổn định nguyên liệu với giá sàn 2 ngàn đồng/kg búp chè lai, 5 ngàn đồng/kg búp giống chè nhập nội. Thực tế trong vụ chè vừa qua có thời điểm nhà máy đã mua với giá lên tới 7 ngàn đồng/kg búp chè nhập nội, vậy mà cũng không có nguyên liệu”. Một nhà máy có vốn đầu tư hàng tỷ đồng, mà trong cả năm chỉ thu mua được hơn trăm tấn chè nguyên liệu, tính theo công suất máy thì chưa đáp ứng được cho 10 ngày sản xuất quả là lãng phí.
Đó là những khó khăn trong phát triển vùng nguyên liệu chè ở nơi đây. Song có một điều dễ nhận thấy là nơi nào lãnh đạo địa phương quan tâm chỉ đạo, tích cực hướng dẫn tuyên truyền thì nơi đó trồng và phát triển chè rất tốt. Xã Khánh Hòa là một minh chứng rõ nhất, trong năm 2007 xã được giao kế hoạch trồng 3 ha thì đã trồng được 7,1 ha, vượt 200% kế hoạch.
Dẫu kế hoạch trồng chè ở đây không phải lớn, nhưng những gì, được chứng kiến thì nơi đây xứng đáng là xã có phong trào trồng chè tốt nhất huyện Lục Yên! Từ khi có dự án đến nay toàn xã đã trồng được 20 ha chè trong đó có 13,8 ha chè giống chất lượng cao. Thôn 7 có 98%, số hộ tham gia trồng chè với diện tích 12 ha bằng giống nhập nội. Trong đó, gia đình ông Vi Thanh Cần năm 2006 trồng 0,7 ha bằng giống nhập nội, năm 2007 trồng 0,4 ha nữa. Diện tích chè trồng năm 2006 nay đã cho thu hoạch, vụ đầu tiên ông thu bán được 4 triệu đồng.
Nói về hiệu quả trồng chè, ông Vi Thanh Cần cho biết: “Trồng chè giống chất lượng cao nhanh cho thu hoạch, giá bán nguyên liệu cao gấp 3-4 lần chè thường, mặc dù mới thu bói năm thứ nhất gia đình bán được được 4 triệu đồng. Cứ đà này trong năm 2008, gia đình thu hái bán không dưới 12 triệu đồng. Để tiếp tục mở rộng diện tích, gia đình đang làm thủ tục vay vốn ngân hàng để trồng 0,5 ha nữa”. Anh Hoàng Đình Quyết – Chủ tịch UBND xã Khánh Hoà cho biết: Hiện nay xã đang phối hợp với Lâm trường Lục Yên và ngân hàng mở lớp tập huấn hướng dẫn vay vốn tới các hộ đăng ký trồng chè. Trong năm 2008, xã phấn đấu trồng 20 ha nữa, đưa tổng diện tích chè giống chất lượng cao lên trên 40 ha.
Nhằm từng bước khắc phục khó khăn, phát triển vùng chè nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến hiện nay, huyện Lục Yên tích cực công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia trồng chè. Lâm trường Lục Yên, Ngân hàng Nông nghiệp huyện đang tiến hành tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, thủ tục vay vốn trồng chè năm 2008. Đối với các hộ muốn trồng chè mà vẫn nợ vốn vay ngân hàng, Lâm trường Lục Yên cho vay vốn nhưng phải trả lãi theo lãi suất của ngân hàng thương mại. Đối với những hộ vay vốn ngân hàng, mỗi hộ được vay 20 triệu đồng/ha và vay không quá 30 triệu đồng, tỉnh phủ lãi suất trong ba năm đầu và nhà nước hỗ trợ 6 triệu đồng/ha (tỉnh hỗ trợ 4 triệu đồng, huyện hỗ trợ 2 triệu đồng).
Đến nay, Lâm trường Lục Yên đã mở được 6 lớp tập huấn kỹ thuật trồng chè và làm thủ tục vay vốn với trên 300 hộ tham gia. Hy vọng trong năm 2008 và những năm tiếp theo, huyện Lục Yên hoàn thành kế hoạch trồng, phát triển vùng chè nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến. Trồng và phát triển chè bằng giống chất lượng cao không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn là loại cây làm giầu, nếu ta biết trồng, chăm sóc, thu hái đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật.
Thanh Phúc