YênBái – YBĐT – Dân tộc Dao ở Yên Bái có số dân thuộc hàng đông nhất trong số 13 dân tộc có số dân từ 5 nghìn người trở lên. Đồng thời, cùng với người Mông, người Dao cũng được đánh giá là hai dân tộc đang bảo lưu tốt trang phục truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên, nét đẹp trong trang phục của người Mông là sự phức hợp của nét đẹp thiên nhiên được mô hình hóa trên trang phục thì người Dao vừa có các yếu tố nêu trên, nhưng lại được kết hợp cả yếu tố lịch sử và tín ngưỡng dân gian trong trang phục.
Trong 12 ngành Dao ở Việt Nam thì có 12 kiểu trang phục khác nhau. Quần áo đàn ông thì may khá đơn giản như hầu hết các dân tộc khác và ít hoa văn. Ngược lại, trang phục nữ thì lại rất cầu kỳ từ cách may đến màu sắc. Tương truyền rằng, xưa kia nước của Bình Vương thường bị nước của Cao Vương tấn công tàn phá. Khi nước của Bình Vương có nguy cơ bị tiêu diệt thì tướng Bàn Hộ tài giỏi đã đưa ra kế biến mình thành con long khuyển mình rồng ngũ sắc (con chó mình rồng năm màu) để đột nhập vào cung của Cao Vương. Cao vương nhìn thấy con long khuyển rất đẹp đã đưa về nuôi và luôn cho ở cạnh mình.
Trong một lần Cao Vương say rượu, long khuyển đã hiện hình trở lại thành Bàn Hộ để giết chết Cao Vương và nước của Bình Vương tránh được nguy cơ bị tiêu diệt. Lập được công lớn, Bàn Hộ được Bình Vương gả công chúa làm vợ, tặng cho nhiều vải đẹp và ban cho vùng đất rộng lớn, cây cối tươi tốt chính là vùng Vân Nam (Trung Quốc) để làm ăn. Bình Vương có dặn là số vải này sau khi sinh con, cháu thì may quần áo phải có nhiều màu để con cháu đời đời nhớ đến Bàn Hộ tướng quân đã biến mình thành long khuyển mình rồng ngũ sắc. Bàn Hộ sinh được 12 người con và thành 12 ngành Dao hiện nay có các kiểu trang phục khác nhau. Ai đã tiếp xúc nhiều với vùng đồng bào Dao thì chỉ cần nhìn vào trang phục đã nhận biết ngay đó là ngành Dao nào.
Về chất liệu làm trang phục thì người Dao xưa kia chủ yếu dùng sợi bông tự trồng và dệt vải. Ngoài ra, còn có cả chất liệu bằng kim khí, chủ yếu là bạc, hạt cườm, vỏ các loài nhuyễn thể. Bởi, trong một số ngành Dao có những loại trang sức được gắn vào trang phục. Kỹ thuật làm trang phục của người Dao cũng không có khác biệt nhiều so với các dân tộc khác, bao gồm các khâu: dệt, nhuộm màu, cắt may, thùa, khâu, lược, viền, túm, ghép…Các bộ phận trong trang phục của người Dao gồm ba phần cơ bản như: khăn, áo, quần. Nhưng cũng tùy vào từng ngành Dao mà họ còn dùng các loại trang phục khác như: mũ, áo dài, áo ngắn, yếm, dây lưng, xà cạp.
Điểm nổi bật trên trang phục của người Dao đó là sự sặc sỡ màu sắc của vải, sợi màu và hoa văn. Họ dùng kỹ thuật phối nhiều các mảnh vải màu, buộc túm các sợi màu đơn lẻ hoặc phối màu sợi ngũ sắc để tạo nên các quả cầu sợi, túm sợi theo kiểu bó đũa. Tuy nhiên, cách phổ biến nhất để tạo nên sự đặc thù về màu sắc trong trang phục của phụ nữ Dao vẫn là kỹ thuật thêu thùa hoa văn. Có 5 mô típ hoa văn cơ bản đó là: hoa văn động vật; hoa văn cây cối; hoa văn vật thể; hoa văn kỷ hà; hoa văn tinh tú; hoa văn bùa (hoa văn tín ngưỡng).
Trong đó, hoa văn động vật thường có các hình: hoa văn hình con cua, chân rồng, ngực chim, hình chim, chó, sâu róm, mặt hổ, dấu chân hổ, con giun, con rết, hình con ngựa, dấu chân ngựa, hình con nhện. Hoa văn cây cối có hoa lọng, bi chuối, cây và hàng cây, ngọn guột, hoa cây, hoa hành. Hoa văn vật thể có hình mũi tên, lưỡi dao, vỉ ruồi, vân tay, rào cánh xẻ. Hoa văn kỷ hà gồm có hình răng lược, răng cưa, hình trám vuông, hình vòng, hình vuông, chữ nhật, tam giác, sóng nước, dây xích…
Hoa văn tinh tú gồm có hình ngôi sao, mặt trăng, mặt trời. Hoa văn tôn giáo (theo tiếng Dao gọi là Pâu) chủ yếu làm theo dạng kỷ hà và tùy theo từng ngành Dao hay khu vực mà người ta có những Pâu khác nhau. Loại hoa văn này, thường được khâu độc lập, lộ ra phía trước ngực hoặc sau lưng, khăn, mũ. Quan niệm của người Dao là khi sống trong vùng rừng núi, ở trong bóng tối, hoa văn bùa chú sẽ làm cho tà ma, thú dữ không dám làm hại.
Nhìn chung, hoa văn trong trang phục của phụ nữ các ngành Dao đều bố trí chủ yếu ở khăn, mũ và phần áo thường được bố trí nhiều ở cổ, vạt áo, cổ tay áo, phần vòng quanh thân sát với gấu áo. Đối với quần thì hoa văn chủ yếu ở phần gấu quần và đối với váy thì hoa văn được bố trí nhiều ở phần yếm, phần gấu váy. Ngoài ra, nếu ngành Dao nào dùng dây lưng thì hoa văn cũng được thêu khá dày đặc ở dây lưng.
Thông thường để làm được những bộ trang phục cầu kỳ, người phụ nữ Dao phải tranh thủ thời gian từ một đến vài tháng. Khi được hỏi vì sao phụ nữ Dao lại thích mặc và giữ được trang phục của dân tộc mình, đa số họ đều trả lời là do trang phục của mình đẹp, mặc vào thấy người được khỏe khoắn và con cháu mặc trang phục truyền thống thì tổ tiên dễ nhận ra mình và phù hộ cho cuộc sống tốt đẹp…
Qua đó có thể thấy, những nét đẹp nhân văn trong trang phục đã ăn sâu vào tâm thức của phụ nữ Dao và nó chính là yếu tố tạo nên sự bảo lưu bền vững nét độc đáo trang phục của phụ nữ Dao.
Hoàng Nhâm