YBĐT – Trong những năm gần đây, chương trình hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên nghèo vay vốn phát triển kinh tế đã được các cấp bộ đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện khá hiệu quả, những tấm gương đoàn viên thanh niên vượt khó vươn lên khẳng định mình đã xuất hiện ngày càng nhiều…
Đoàn viên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thông qua nhiều kênh như: Chương trình 120, vốn hộ nghèo, vốn học sinh, sinh viên, chương trình hỗ trợ nước sạch và vệ sinh môi trường, hộ sản xuất kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo khó khăn về nhà ở…
Hiệu quả kinh tế mang lại cho thanh niên là không thể phủ nhận nhưng hiện nay nguồn vốn đó vẫn luôn trong tình trạng “khan hiếm”, khó tiếp cận.
Thanh niên vay vốn phát triển kinh tế không những tạo thêm nhiều việc làm mà còn góp phần phát triển gia đình và kinh tế địa phương. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 8/2012, tổng dư nợ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái với NHCSXH mới khiêm tốn ở mức 78,4 tỷ đồng trong khi Hội Phụ nữ đã đạt gần 600 tỷ đồng, Hội Nông dân đạt trên 300 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh đạt gần 200 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Anh Hoàng – Phó giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: “Đoàn thanh niên cũng có nhiều cái khó trong việc vay vốn từ NHCSXH. Đầu tiên là thanh niên không có tài sản thế chấp. Nhiều thanh niên sống chung với gia đình và trong gia đình chỉ một người được vay vốn. Người vay thường là bố, mẹ đồng thời cũng là chủ gia đình. Ngân hàng cho vay để thực hiện nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo cho một hộ gia đình chứ không riêng cá nhân nào.
Cái khó thứ hai là đặc thù giai đoạn tuổi trẻ của thanh niên. Nếu là những người thiếu kinh nghiệm sống sẽ dễ dàng đối mặt với rủi ro, với tuổi trẻ điều đó lại không hề dễ chút nào, gặp thất bại nhiều bạn trẻ sẽ nản và nợ ngân hàng cũng khó trả.
Cái khó thứ ba, tổ chức Đoàn cần phải tạo được lòng tin của chính quyền địa phương để giao vốn cho thanh niên. Ngân hàng luôn mong 4 tổ chức chính trị xã hội làm ủy thác có dư nợ bằng nhau nhưng để làm được điều đó Đoàn còn cần phải có những chuyển biến mạnh hơn nữa trong công tác nhận ủy thác, phát huy nội lực của mình”.
Một thực tế nữa cần phải nói đến là số vốn ủy thác trực tiếp qua tổ chức Đoàn tỉnh cho đến thời điểm này mới chỉ đạt 200 triệu đồng trong cả năm. Số vốn này chỉ đủ hỗ trợ vài cá nhân làm kinh tế nhỏ lẻ, còn tính ra, không đủ để phát triển một cơ sở sản xuất chế biến hoặc doanh nghiệp vừa.
Anh Nông Việt Yên – Bí thư Tỉnh đoàn nhận xét: “Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi cần thêm vốn ủy thác trực tiếp thông qua tổ chức Đoàn. Bản thân thanh niên cần mạnh dạn, năng động và táo bạo hơn nữa trong phát triển kinh tế. Đồng thời, các tổ chức Đoàn cơ sở cần định hướng cho đoàn viên phát triển những mô hình phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường. Một đoàn viên có thể vay được số vốn ít nhưng nếu tập hợp nhiều thanh niên cùng chung sức sẽ tạo được những mô hình quy mô lớn, hiệu quả cao hơn. NHCSXH cũng cần phối hợp với các cơ sở Đoàn xem xét có mức vốn vay phù hợp với từng loại hình kinh tế để giúp thanh niên có cơ hội làm giàu”.
Hy vọng trong thời gian tới, nguồn vốn đến với thanh niên sẽ nhiều hơn, cụ thể và thiết thực hơn chứ không chỉ như “muối bỏ biển” như hiện nay.
Thiên Cầm