YBĐT – Vốn vay ngân hàng luôn là một phần quan trọng trong sự tồn tại của doanh nghiệp. Chắc chắn sẽ rất ít, nếu không muốn nói là gần như không có doanh nghiệp nào làm ăn mà không vay vốn ngân hàng, thậm chí ngân hàng còn đi vay ngân hàng để lấy vốn làm ăn!
Ở Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngày càng phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, sự phụ thuộc lớn tới mức Chính phủ buộc phải có sự chỉ đạo để doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung giảm bớt sự lệ thuộc vào vốn vay tín dụng.
Cụ thể trên thực tế, doanh nghiệp của ta, xây nhà xưởng, mua thiết bị, vốn lưu động… cả việc mua chiếc ô tô làm phương tiện đi lại cũng từ ngân hàng mà ra. Khi lãi suất cao (19, 20, 21%/năm), doanh nghiệp chật vật vì giá vốn chiếm một phần quan trọng trong giá thành sản phẩm; đặc biệt với những dự án có thời gian hoàn vốn lâu, suất đầu tư lớn.
Càng thảm hại hơn đối với những doanh nghiệp nhỏ tài chính khó khăn, không trả gốc và lãi đúng kỳ hạn (ngân hàng xếp hàng tín dụng hạng 3, 4, 5), bán được lô hàng nào là ngân hàng thu luôn món tiền ấy, doanh nghiệp không còn vốn lưu động, ngừng sản xuất, đóng cửa nhà xưởng, đợi ngày… phá sản!
Trong bối cảnh lãi suất lên cao, các điều kiện cho vay chặt chẽ, doanh nghiệp bắt đầu ca thán. Không ít những lời phàn nàn như: “Làm ra chỉ để nuôi ông ngân hàng”; “Ngân hàng sống trên lưng doanh nghiệp”; … Rồi những đòi hỏi liên tiếp được đưa ra như: hạ lãi suất, giảm bớt các điệu kiện cho vay… để phương châm “Ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp” thể hiện đúng ý nghĩa của nó!
Nếu chỉ nhìn vào những con số như: ngân hàng huy động vốn lãi suất 17%/năm, cho vay 19%/năm, 20%/năm, hiện nay đang huy động 9%/năm cho vay 12, 13, 14,5%/năm… thì những nhận định trên là hoàn toàn đúng. Nhưng những người hiểu biết về ngành tài chính, ngân hàng lại có suy nghĩ khác. Không phải cứ huy động được bao nhiêu là cho vay bấy nhiêu, ngân hàng chỉ ngồi giữa mà hưởng chênh lệch!
Thực tế các ngân hàng thương mại chịu sự giám sát chặt chẽ từ ngân hàng Nhà nước, đặc điệt là vấn đề đảm bảo tính thanh khoản, ngân hàng tốt nhất cũng phải đảm bảo duy trì ít nhất 30% số vốn để khách hàng có nhu cầu rút là sẵn sàng đáp ứng. 30% số vốn là con số khổng lồ, số vốn ấy đi vay, phải trả lãi còn nằm im trong két để đảm bảo tính thanh khoản thì đương nhiên sẽ không sinh lời! Rồi vấn đề nguồn quỹ dự phòng rủi ro; chuyện cho vay mà không thu được lãi, được gốc; việc huy động tiền nhàn rỗi trong dân còn ngân hàng cho vay khi Thống đốc ra lệnh hạ là đồng loạt hạ, không được phép sai!
Ông Bùi Trung Thu – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Yên Bái mới đây đã phải khá gay gắt: “Nói các ngân hàng thương mại đóng cửa không cho doanh nghiệp vay là chẳng hiểu gì về hoạt động của ngân hàng. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, họ cũng rất muốn bán được hàng, thực tế hàng của họ còn ế đầy trong kho”.
Thực tế khi lãi suất lên đến 21%, doanh nghiệp kêu đòi xuống 17, 18%; khi lãi suất xuống 17, 18%, doanh nghiệp vẫn kêu; nay lãi suất xuống đến dưới 15% (doanh nghiệp vừa và nhỏ, chế biến nông lâm sản, làm hàng xuất khẩu lãi suất 13%) doanh nghiệp chuyển sang kêu khó tiếp cận! Nếu điều kiện cho vay là rào cản, là nguyên nhân của “khó tiếp cận” thì doanh nghiệp cần xem lại mình có đủ “sức” vượt qua “rào” đó không hay tình hình tài chính yếu kém, hàng tồn kho lớn, nợ cũ còn đầm đìa chưa trả, tài sản đảm bảo bằng không?
Có dự án tốt, đầy đủ các điều kiện, ngân hàng sẽ không hẹp hòi mở hầu bao, thậm chí còn tìm đến để cho vay; nếu xuất khẩu trực tiếp và sử dụng mọi dịch vụ đi kèm (vay vốn, chuyển tiền, bán ngoài tệ…) tại ngân hàng nào thì ngân hàng ấy sẽ áp dụng lãi suất 11% và còn thấp hơn nữa, đó là khẳng định của lãnh đạo các ngân hàng thương mại.
Vậy là “quả bóng” tín dụng, lãi suất đang trong chân các doanh nghiệp!
Lê Phiên