YênBái – Ngày mai – 5/9, cùng với cả nước, thầy và trò ngành giáo dục tỉnh Yên Bái chính thức bước vào năm học mới 2020 – 2021 với khí thế mới sau năm học đặc biệt vừa qua.
Những năm gần đây, tỉnh đã quan tâm đầu tư cho giáo dục – đào tạo (GD-ĐT); đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, duy trì tỷ lệ học sinh mầm non, phổ thông ra lớp, đảm bảo ra lớp chuyên cần. Ngành giáo dục tiếp tục giữ vững và tăng dần các chỉ số về huy động ở mầm non, tiểu học, đảm bảo đúng độ tuổi làm nền tảng giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục.
Giáo dục dân tộc, giáo dục mũi nhọn có nhiều tiến bộ vượt bậc. Các trường phổ thông dân tộc bán trú tiếp tục được quan tâm đầu tư, tăng số lượng tuyển sinh và đã từng bước khẳng định được chất lượng giáo dục; số lượng học sinh bán trú hàng năm tăng trên 10%.
Về giáo dục mũi nhọn, trong 5 năm, từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2019 – 2020, toàn tỉnh có 2.859 lượt học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa THCS, THPT cấp tỉnh, quốc gia. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt được kết quả tích cực, toàn tỉnh có 225 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 50,8% số trường…
Công tác phổ cập giáo dục – xóa mù chữ được giữ vững và nâng cao chất lượng; công tác khảo thí và phân luồng học sinh có nhiều đổi mới…
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm học 2020-2021, ngành GD&ĐT Yên Bái tiếp tục tập trung triển khai, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; Nghị quyết số 44/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Ngành tập trung các giải pháp phát triển quy mô trường, lớp công lập ở khu vực II và khu vực III, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục khu vực I; tập trung đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ nội dung, hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học.
Tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát, đánh giá chất lượng và việc thực hiện cam kết, bàn giao chất lượng của các cơ sở giáo dục; duy trì, ổn định quy mô trường, lớp, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú THPT, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ học sinh theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP.
Xây dựng hệ thống trường THCS trọng điểm, chất lượng cao, thực hiện nhiệm vụ phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu THCS đảm bảo tính liên thông, tạo nguồn tuyển sinh cho trường THPT chuyên.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác tự đánh giá, xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng đáp ứng yêu cầu của công tác kiểm định chất lượng và xây dựng trường chuẩn quốc gia ở mỗi cấp học, đặc biệt là triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cùng đó, chủ động phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo sức khỏe cho học sinh; nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức an toàn giao thông trong trường học; tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là người đứng đầu cơ sở giáo dục, trên địa bàn để một năm học “bình thường mới” đạt nhiều kết quả xuất sắc, toàn diện hơn.
Thành Trung