YênBái – YBĐT – Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Yên Bái đã phối hợp với HĐND tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách xã hội hóa y tế (XHHYT) trên địa bàn tỉnh. Đoàn đã tổ chức giám sát tại các đơn vị xã: Mù Cang Chải, Trấn Yên, Văn Chấn, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Phòng khám Đa khoa chất lượng cao (ĐKCLC) Hữu Nghị 103.
Qua giám sát cho thấy, công tác xã hội hóa các hoạt động y tế ở Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện nghị quyết 05 của Chính phủ, tại kỳ họp thứ IX (tháng 12/2006) HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 24. Tiếp theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 524 về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và dạy nghề tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2006-2010”. Trên cơ sở các văn bản trên, các ngành liên quan và các cấp chính quyền cơ sở đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và xác định việc thực hiện xã hội hóa y tế (XHHYT) là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Các cơ quan thông tin đại chúng và các tổ chức xã hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách và vận động nhân dân tham gia thực hiện XHHYT. Nhờ đó, nhận thức của toàn xã hội về công tác XHHYT đã từng bước được nâng lên. Người dân đã tích cực tham gia các hoạt động y tế và ý thức hơn trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Công tác y tế dự phòng được quan tâm đẩy mạnh. Nhiều chương trình y tế đã đạt được mục tiêu đề ra và tiếp tục duy trì như: tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, phòng chống dịch bệnh, xây dựng chuẩn quốc gia y tế. Hệ thống y tế công lập tiếp tục được củng cố, phát triển và giữ vai trò chủ đạo trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân (CSSKND). Toàn tỉnh hiện có 214 cơ sở khám chữa bệnh (KCB); 2317 giường bệnh; tỷ lệ giường bệnh/ 10.000 dân là 18. Đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường về số lượng và chất lượng ngày càng được nâng cao.
Đến nay, cả tỉnh có trên 2.700 cán bộ y tế; tỷ lệ bác sỹ/ 10.000 dân là 6,5. Ngân sách đầu tư cho lĩnh vực y tế hàng năm đều tăng (tổng chi ngân sách thường xuyên cho y tế năm 2007 là 80 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2006). Ngoài nguồn ngân sách nhà nước đầu tư, nguồn vốn XHHYT cũng tăng lên đáng kể. Trong 2 năm (2006-2007) thực hiện chủ trương XHHYT các cơ sở y tế công lập đã huy động được trên 3,3 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của cán bộ và các nhà đầu tư, để mua sắm trang thiết bị, phục vụ cho việc KCB.
Cùng với việc tăng nguồn tài chính cho y tế, Yên Bái đã tích cực thực hiện đổi mới cơ chế quản lý tài chính theo hướng giao quyền tự chủ cho cơ sở. Đến nay, đã có 27/31 đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện triển khai thực hiện Nghị định 43. Điểm nổi bật trong việc thực hiện XHHYT là, các cơ sở y tế công lập đã chủ động xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ, tài chính và khai thác có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để đáp ứng nhu cầu CSSKND. Kết quả của việc thực hiện XHHYT còn thể hiện rõ ở hệ thống y tế tư nhân ngày càng phát triển. Toàn tỉnh hiện có 241 cơ sở hành nghề dược tư nhân; 148 cơ sở hành nghề y tế tư nhân (trong đó: có 4 phòng khám đa khoa, 58 phòng khám chuyên khoa, 86 các loại dịch vụ khác). Hàng năm, các cơ sở y tế tư nhân đã khám chữa bệnh (KCB) cho trên 100.000 lượt người (chiếm 10% số lượt người KCB tại các cơ sở y tế).
Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách BHYT được quan tâm chỉ đạo, đã tạo cơ hội cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế và tăng thêm nguồn tài chính cho y tế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 395.000 người tham gia BHYT (chiếm 50% dân số). Nguồn kinh phí thu từ BHYT bổ sung cho quỹ KCB tại các cơ sở y tế đạt từ 30-40 tỷ đồng/năm. Những kết quả đạt được trong công tác XHHYT đã góp phần nâng cao chất lượng CSSKND và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về XHHYT chưa thường xuyên, chưa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về công tác XHHYT chưa đầy đủ, chưa toàn diện. Sự phối kết hợp giữa các ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện XHHYT chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý XHHYT còn nhiều bất cập cả trong định hướng, quy hoạch và chỉ đạo thực hiện. Các cơ sở y tế công lập chưa mạnh dạn thực hiện cơ chế tự chủ, vẫn còn nặng về cơ chế bao cấp, trông chờ vào ngân sách nhà nước. Các cơ sở y tế tư nhân còn nhỏ bé, hoạt động còn mang tính thương mại hóa. Các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện XHHYT còn nhiều khó khăn. Ngân sách nhà nước đầu tư cho y tế còn thấp so với nhu cầu thực tế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở y tế còn thiếu thốn và lạc hậu, nhất là ở tuyến huyện và tuyến xã. Đội ngũ cán bộ y tế chưa đồng bộ về cơ cấu và chất lượng chưa cao.
Đặc biệt là thiếu nghiêm trọng cán bộ dược sỹ và bác sỹ chuyên khoa ở tất cả các tuyến. Một thực tế nữa là, việc thực hiện XHHYT là một chủ trương mới, trong công tác chỉ đạo từ trung ương đến cơ sở còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể; một số cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, chưa sát thực tế đã gây khó khăn cho các cơ sở trong quá trình tổ chức thực hiện. Hơn nữa, Yên Bái là một tỉnh miền núi nghèo, kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, các phong tục tập quán còn lạc hậu, đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện XHHYT.
Từ hoạt động giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện XHHYT để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện; xem xét mô hình quản lý tổ chức của y tế tuyến huyện, theo hướng thu gọn đầu mối (phòng y tế huyện và trung tâm y tế dự phòng vào một đầu mối) để nâng cao hiệu quả quản lý; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định 225 về Đề án nâng cấp hệ thống bệnh viện huyện, bệnh viện đa khoa khu vực; tăng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trạm y tế xã; tăng định mức chi ngân sách thường xuyên và vốn chương trình mục tiêu y tế cho các tỉnh miền núi; có chính sách thu hút đối với cán bộ y tế nói chung và cán bộ y tế dự phòng nói riêng; hỗ trợ kinh phí cho người cận nghèo và nông dân mua thẻ BHYT. Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu sửa đổi công văn số 9604/BYT-BH ngày 14/12/2007 về việc hướng dẫn điều trị nội trú đối với bệnh nhân BHYT tại các phòng khám đa khoa khu vực (điều chỉnh thời gian điều trị nội trú từ 2 ngày lên 3-5 ngày, theo lộ trình điều trị nội trú tối thiểu).
Đối với địa phương, Đoàn đã đề nghị tỉnh Yên Bái cần tăng cường chỉ đạo đối với việc thực hiện XHHYT; huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với các hoạt động y tế; tăng cường hơn nữa công tác quản lý đối với các cơ sở y tế tư nhân; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao, để từng bước nâng cao chất lượng CSSKND; điều chỉnh chính sách hỗ trợ đào tạo và thu hút đối với ngành y tế theo nghị quyết số 03 của HĐND cho phù hợp với thực tế; điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ y tế đang công tác tại các cơ sở y tế dự phòng tuyến tỉnh theo đúng định mức quy định tại quyết định 276 của Chính phủ; bổ sung ngân sách giải quyết chế độ phụ cấp đặc thù của cán bộ y tế tuyến huyện (từ năm 2004-2006) theo quyết định 155 của Chính phủ; chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế thôn bản năm 2007 theo nghị quyết số 07 HĐND tỉnh.
Lê Thị Liêm – (Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội
và HĐND tỉnh)