YênBái – YBĐT – Với 94% dân số là người Dao, hầu hết thanh niên Tân Phượng xã vùng cao của Lục Yên lớn lên bên ruộng rừng, nương rẫy rồi lại quẩn quanh với nó lúc trưởng thành. Con đường phổ biến nhất với thanh niên Tân Phượng vẫn là lập thân trên đất quê hương. Hẳn rằng, làm giàu, phát triển kinh tế gia đình trên chính mảnh đất này là nhu cầu thiết thực, là mong muốn thực tế không của riêng ai.
Và với thanh niên, Đoàn rõ ràng là một tổ chức gần gũi nhất. Thế nhưng trên con đường lập thân khởi nghiệp, đoàn viên thanh niên Tân Phượng đang thiếu một sư giúp sức từ tổ chức thân thiết của mình.
Bí thư Đoàn xã Triệu Đức Thành nói rằng, các cuộc sinh hoạt Đoàn vẫn được tổ chức đều đều theo định kì, các đoàn viên thanh niên cũng có bàn đến chuyện làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình, làm thế nào để làm giàu, nhưng chưa tìm ra câu trả lời thuyết phục.
“Chúng tôi cũng có giới thiệu tới các đoàn viên thanh niên về các mô hình phát triển kinh tế, gần đây nhất là phong trào “4 mới” mà Đoàn phát động song thực sự không biết áp dụng vào thực tế xã nhà như thế nào, không biết bắt đầu với cái gì, bắt đầu từ đâu, lấy cái gì để bắt đầu”- Bí thư Đoàn xã thừa nhận.
Thế còn khả năng tự vận động của thanh niên thì sao? Nói như anh Triệu Đức Thành, thanh niên Tân Phượng quả thực cũng ít có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với xã hội. Thành thử, họ cứ quẩn quanh với những gì mình đã có từ trước đến nay. Chẳng thế mà cho đến tận năm 2006 mới chỉ duy nhất một đoàn viên có nhu cầu vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Nhưng ý kiến này cũng chỉ được Đoàn xã tiếp nhận và bảo lưu chứ chưa có ý định tiếp tục đề xuất lên Đoàn cấp trên bởi: “Thấy nhiều xã có đề xuất nhưng cũng không được vay” – anh Thành nói.
Cho đến năm 2007 này, chuyện đoàn viên thanh niên vay vốn đầu tư phát triển kinh tế qua kênh của Đoàn vẫn là chuyện chưa từng có ở Tân Phượng. Thậm chí, nhiều đoàn viên thanh niên không được biết đến nguồn vốn có thể được vay qua tổ chức Đoàn, hoặc có biết đến nhưng không có nhu cầu vay vì không biết đầu tư vào cái gì. Anh Bí thư Đoàn một lần nữa thừa nhận về vấn đề này. Ngay đến bản thân anh Thành cũng có ý định vay vốn từ mấy năm nay rồi, để đầu tư vào việc nấu rượu, nuôi lợn và chăn vịt. Anh cũng biết có thể vay qua kênh Đoàn nhưng ý định cũng mới dừng lại ở sự ấp ủ chứ cũng chưa có điều kiện để tập trung vào làm.
Cứ vậy, trước nay, dường như cá nhân đoàn viên thanh niên Tân Phượng mơ hồ với sự hỗ trợ phát triển kinh tế của Đoàn và Đoàn đang ngoài cuộc với nhu cầu phát triển kinh tế của cá nhân đoàn viên. Những gì liên quan đến vấn đề hỗ trợ phát triển kinh tế mà Đoàn Tân Phượng có được từ trước đến giờ có thể kể đến mô hình trồng nấm và mộc nhĩ trên thân gỗ do Sở Khoa học – Công nghệ hỗ trợ giống nguyên liệu cho Đoàn xã triển khai vào năm 2005. Mô hình này đã không mang lại hiệu quả cao như mong muốn, nên không có bạn trẻ nào muốn lấy đó để học tập phát triển.
Mô hình kinh tế được coi là có hiệu quả nhất đối với cả tập thể Đoàn Tân Phượng là 8ha mỡ được nhận trồng và chăm sóc theo Chương trình 327 từ năm 1995, đến nay đã sắp được khai thác. Nhưng đó là mô hình của cả tập thể Đoàn xã. Chẳng thế mà với 139 đoàn viên ở 9 chi đoàn, kể cả lực lượng thanh niên ngoài Đoàn nữa nhưng để kể đến một vài thành niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế của Tân Phượng, thì Bí thư Đoàn xã đành cười trừ: “Thực sự không có ai nổi bật cả, gọi là khá ở đây thì cũng chỉ đủ sống dư dư hơn anh em một chút, thế thôi”.
Một vấn đề đặt ra là: nếu được vay vốn phát triển kinh tế thì cho đến lúc này, hầu hết thanh niên Tân Phượng cũng chỉ biết đầu tư vào trồng trọt và chăn nuôi mà đó chủ yếu sẽ là phát triển rừng trồng. Các loại hình kinh tế dịch vụ, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, như đã kể trên, còn rất xa vời trong ý niệm của các bạn trẻ bởi chính Bí thư Đoàn cơ sở còn chưa nghĩ đến.
Vốn, kiến thức và sự thay đổi tư duy đều là những yếu tố “cần” lúc này với thanh niên Tân Phượng. Còn theo ý tưởng phát triển kinh tế trồng rừng thì trước mắt, theo Chủ tịch xã Bàn Tiến Tiên, Tân Phượng còn 64 ha rừng 327, nếu như phía Đoàn xã đảm đương được thì xã sẽ giao số đất rừng này cho Đoàn xã đảm nhận. Đây sẽ là cơ hội cho nhiều đoàn viên thanh niên trong xã phát triển một mô hình kinh tế, và rõ ràng là cần có sự giúp sức rất nhiều của tổ chức Đoàn từ đầu việc cho đến nguồn vốn. Có như vậy, Đoàn mới là tổ chức sát thực với thanh niên. Nếu không, sợi dây liên hệ giữa Đoàn với đoàn viên thanh niên ở Tân Phượng chỉ là một vài phong trào bề nổi.
Huyền My