YBĐT – Mới chớm hè nhưng ở nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra không ít vụ trẻ em chết đuối rất thương tâm. Theo thống kê của Cục Bảo vệ trẻ em, tỷ lệ đuối nước của trẻ em Việt Nam cao nhất trong khu vực và gấp 10 lần các nước phát triển.
Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật đối với trẻ em. Thực trạng này đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ mỗi gia đình mà đòi hỏi trách nhiệm chung của cả cộng đồng và toàn xã hội trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ.
Chúng ta chưa quên hàng chục vụ chết đuối thương tâm xảy ra liên tiếp trên cả nước thời gian qua. Điển hình như cái chết của 6 học sinh huyện Ninh Phước – Ninh Thuận hồi trung tuần tháng 4 khi nhóm học sinh này rủ nhau đi tắm sông. Hay vụ 2 trong số 8 học sinh của Trường THCS Văn Khê A (xã Văn Khê, huyện Mê Linh – Hà Nội) thiệt mạng ngày 18/4 do tập bơi trên sông Hồng bằng cây chuối…
Tại tại thôn 4, xã Hợp Minh, thành phố Yên Bái cũng trong tháng 4/2013 đã xảy ra một vụ đuối nước đáng tiếc. Nạn nhân là em Mai Tuấn Phong, sinh năm 2003. Khi lội xuống hố nước sát chân công trình cầu vượt (thuộc công trình đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai) đoạn qua thôn 5 xã Hợp Minh để lấy quả bóng, em đã thiệt mạng do không biết bơi…
Còn nhớ mùa hè năm 2012, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, từ ngày 11 – 25/6, trên địa bàn huyện Lục Yên đã xảy ra 5 trường hợp trẻ em chết do đuối nước tại các xã: An Phú, Mai Sơn, Minh Xuân, Lâm Thượng, Vĩnh Lạc… Và mới đây nhất – ngày 20/5 là trường hợp của cháu Đàm Trung Hiếu, 11 tuổi ở xã An Phú tử vong do ngã va đầu vào đá, chết ngạt trong một hố nước. Đuối nước ở trẻ em không chỉ để lại nỗi đau cho các bậc ông bà, cha mẹ mà còn là nỗi trăn trở của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Tìm hiểu nguyên nhân các vụ trẻ em đuối nước cho thấy, bên cạnh môi trường sống không an toàn do đặc thù sông ngòi, suối, ao, hồ của nước ta nhiều, diện tích mặt nước cao thì ngay cả những bể chứa nước, hố công trình ở thành phố, giếng nước, hố vôi, mương… ở nông thôn cũng tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường.
Đáng nói là nhiều khu vực ao hồ, sông ngòi thiếu các biển cảnh báo nguy hiểm, làm tăng nguy cơ đuối nước ở trẻ em. Tuy nhiên khách quan nhìn nhận thì thấy, chủ yếu vẫn là do sự thiếu quản lý, giám sát chặt chẽ của gia đình và địa phương. Phần lớn trẻ đuối nước do sự lơ là, chủ quan, thiếu quản lý, trông coi của các bậc phụ huynh.
Một lý do khác là bản thân trẻ chưa có kỹ năng an toàn khi tiếp xúc với môi trường nước. Nhiều trẻ em không biết bơi, không có kỹ năng ứng phó khi có nguy cơ bị đuối nước trong khi công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng phòng chống đuối nước chưa thực sự mang lại hiệu quả; kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi trẻ bị tai nạn này của người dân còn kém.
Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh, đảm bảo sự sinh tồn và phát triển của trẻ em, tháng 10 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020. Trong các chỉ tiêu đưa ra, có mục tiêu phấn đấu giảm tỷ suất trẻ bị tai nạn thương tích xuống 550/100.000 trẻ vào năm 2015 và xuống còn 450/100.000 trẻ vào năm 2020.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức… xây dựng Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em đến năm 2015 với mục tiêu mỗi năm giảm khoảng 10% số trẻ bị thương tích; ít nhất 30% gia đình có trẻ đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn” và 25% xã đạt chuẩn “Cộng đồng an toàn”. Các hoạt động loại bỏ nguy cơ gây đuối nước trẻ em cũng đang được triển khai thông qua thực hiện các mô hình môi trường an toàn cho trẻ em trong gia đình, trường học và cộng đồng; chương trình phổ cập bơi hàng năm; xây hồ bơi an toàn thí điểm tại cộng đồng…
Để giảm tai nạn đuối nước ở trẻ em, cần nhiều hơn sự quan tâm sát sao của các bậc phụ huynh, người thân và toàn xã hội. Việc cần làm ngay bây giờ trong cộng đồng là đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống đuối nước trẻ em với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với cha mẹ, người chăm sóc trẻ và chính các em, thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường thủy; phổ cập kỹ năng sơ, cấp cứu trẻ em bị đuối nước cho mạng lưới y tế cơ sở và đội ngũ cộng tác viên phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng.
Ngoài ra, cần triển khai chương trình dạy bơi cho trẻ, dạy kỹ năng sống và kỹ năng an toàn dưới nước, từng bước đưa môn bơi an toàn vào trong trường học một cách rộng rãi, xây dựng môi trường sống an toàn tại gia đình, trường học và cộng đồng nhằm giảm thiểu nguy cơ đuối nước đối với trẻ khi kỳ nghỉ hè của các em đang đến gần.
Phạm Minh