YênBái – YBĐT – Chuyện về những chiếc xe siêu trường, siêu trọng; quá khổ, quá tải chạy trên một số tuyến đường trong đó có quốc lộ 70 không có gì mới. Chúng hoạt động ngày một nhiều, làm hư hại nghiêm trọng các công trình giao thông, gây mất an toàn trên các tuyến đường. Nhưng bởi nhiều nguyên nhân, xem ra các ngành chức năng vẫn bó tay.
Sập cầu, hỏng đường không còn là nguy cơ
Những tưởng đường êm thuận như trước đây, chỉ chừng hơn 3 giờ đồng hồ xuất phát từ thành phố Yên Bái bằng xe máy là tôi tới được huyện Lục Yên. Nhưng lần này, mắc cảnh đường nát, lại phải tránh cả đoàn xe siêu trường, siêu trọng nối dài như đoàn tàu lớn trên quốc lộ 70 ở khu vực xã Động Quan (Lục Yên) đã ngốn của tôi đã mất thêm nửa giờ.
Có điều lạ là không hiểu vì sao các xe này không chạy giãn cách, mà cứ “thích” kéo thành đoàn dài? Tìm hiểu về tình hình hoạt động, cũng như thực trạng hư hại các công trình giao thông trên quốc lộ 70, tôi đã có trong tay Văn bản số 156/QLGT ngày 20/4/2007 của ông Lê Quốc Tuấn – Giám đốc Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 242 (Khu Quản lý đường bộ II) gửi lãnh đạo UBND tỉnh và công an các tỉnh Lào Cai, Yên Bái đề nghị giúp đỡ. Sau Văn bản số 692/QLGT gửi ngày 26/12/2006, đây là văn bản thứ hai Công ty gửi báo cáo về “tình trạng mất an toàn giao thông do xe quá tải, quá khổ lưu hành trên quốc lộ 70”. Nhưng đến nay lưu lượng xe quá khổ, quá tải vẫn không thuyên giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Đa số các xe có tổng tải trọng từ 50 đến 100 tấn chở quặng sắt, phôi thép, đá các loại và tấm lợp từ Lao Cai về xuôi là nguyên nhân làm hư hỏng đường. Nghiêm trọng hơn, các xe chở phôi thép dài tới 19 m, tải trọng hàng và xe xấp xỉ 100 tấn vừa quá khổ, quá tải thường xuyên va quệt làm gãy các biển báo, cọc tiêu, lan can cầu. Trong khi các cầu trên quốc lộ 70 hiện nay có tải trọng là 17 tấn và 30 tấn trong đó có 3 cầu yếu; các yếu tố kỹ thuật của đường còn hạn chế, có rất nhiều cua gấp, nền và mặt đường đang chờ nâng cấp cải tạo; vì vậy sự có mặt của những chiếc xe “ông voi” này là rất nguy hiểm. Do các “ông voi” này đi trên đường hẹp, cua gấp nên chuyện bị “chổng kềnh” ăn vạ giữa đường hoặc hư hỏng nằm rải rác trên tuyến quốc lộ 70 gây cản trở giao thông và hư hại công trình lân cận không còn hiếm. Mặc dù trong quí IV năm 2006 và từ đầu năm 2007 đến nay, Cục Đường bộ và Khu quản lý đường bộ II đã tiến hành bù vênh, vá láng hàng chục km đường, xử lý hơn 5000 m2 cao su trên quốc lộ 70; nhưng do lưu lượng xe tải nặng không giảm nên mặt đường bị bong bật, cao su sình lún rất nhiều khả năng gây ách tắc giao thông vào mùa mưa lũ bất kỳ lúc nào.
Một chiếc xe quá tải đi qua cây cầu có tải trọng nhỏ hơn đã làm sập cầu ở khu vực xã Cảm Nhân (Yên Bình) gây ách tắc giao thông. |
Xe quá khổ, quá tải không chỉ “nhộn nhịp” lên xuống trên quốc lộ 70 mà còn có mặt trên cả một số tuyến tỉnh lộ của Yên Bái như: đường Khánh Hoà – Minh Xuân, đường Đông hồ. Các xe chở phôi thép hoặc quặng sắt từ Lao Cai xuống để tránh cơ quan chức năng thường rẽ ngã ba Khánh Hoà chạy đường Khánh Hoà – Minh Xuân vào Lục Yên, rồi theo đường Đông hồ về Phú Thọ hoặc theo đường lên phố Cáo sang Tuyên Quang về Thái Nguyên. Không chỉ có xe ngoài chạy qua huyện mà chính xe chở đá Blốc quá tải của một số doanh nghiệp ở Lục Yên cũng bon bon về xuôi khiến các tuyến đường này đang xuống cấp không kém quốc lộ 70. Những người làm công tác quản lý đang lo sợ cầu Tô Mậu sập. Vì cầu chỉ được thiết kế cho xe có tải trọng 13 tấn với biên độ dao động cho phép gấp 1,5 lần tức là chỉ chịu được chừng 20 tấn song thực tế các xe tải nặng tới 50 thậm chí 100 tấn, gấp 3 đến 5 lần vẫn đang đi qua, nguy cơ đổ cầu sẽ khó tránh khỏi. Việc cây cầu ở Cảm Nhân trên tuyến Đông hồ bị sập do xe quá tải đi qua đã minh chứng điều đó.
Quản lý xe quá khổ, quá tải – lẽ nào bó tay?
Quá khổ, quá tải qua các đoạn cua gấp “chổng kềnh” như thế này là chuyện thường. |
Trước thực trạng trên, sau khi nhận được văn bản của Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 242, ngày 2/5/2007, UBND tỉnh đã có Công văn số 707/UBND – XD về việc “Đề xuất nội dung chỉ đạo đảm bảo an toàn giao thông do xe quá khổ, quá tải lưu hành” gửi Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) và Công an tỉnh, UBND tỉnh cũng đã giao cho Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh tham mưu, đề xuất nội dung chỉ đạo đảm bảo an toàn giao thông các tuyến đường trên địa bàn. Nhưng thực tế, việc triển khai đang gặp nhiều khó khăn. Như ông Mai Văn Bộ – Chánh Thanh tra Sở GTVT trao đổi: “Hiện đang mắc ở chỗ là thanh tra giao thông không được phép dừng xe. Còn công an có thể đề nghị dừng xe nhưng lại không xử lý được tải trọng. Vì theo Văn bản 965 của Bộ Công an khi kiểm tra phương tiện quá khổ, quá tải xử lý vi phạm, không được phép căng thước dây để tính hoặc căn cứ hoá đơn mà phải có phương tiện cân đong, đo đếm đầy đủ trong khi hiện nay các trạm cân trên cả nước đã xoá bỏ”. Cũng qua ông Bộ, được biết: Hiện nay Sở GTVT sẵn sàng bỏ ra 100 triệu đồng mua cân. Nhưng cơ bản là cân phải đặt ở đâu để có nơi hạ tải, phải có bãi để xe, người quản lý…Và nếu thành lập trạm còn phải trình Chính phủ xem có cho phép không đã. Nếu đề nghị tỉnh cho trưng tập trạm cân của Nhà máy Xi măng vào cân, nếu xe quá tải thật thì chủ xe phải trả phí cân, còn nếu xe không quá tải ai sẽ trả phí này? Và ai sẽ chi phí cho bộ máy trạm cân này hoạt động?… Trong bối cảnh này, ngành GTVT đành phải chọn giải pháp tình thế là cắm biển “cầu yếu” ra tận ngã ba Khánh Hoà và cho thanh tra giao thông chốt chặn để giữ cầu Tô Mậu cùng tuyến đường tỉnh Yên Thắng – Khánh Hoà.
Như thế, đối với “vấn nạn” xe quá khổ, quá tải lẽ nào các ngành chức năng bó tay?
Để tháo gỡ tận gốc tình trạng này, ngành GTVT hai tỉnh Yên Bái và Lao Cai cần thực hiện tốt việc cấp phép hoạt động đối với loại phương tiện này. Cảnh sát giao thông hai tỉnh, đặc biệt là Lao Cai, nơi xuất phát của các phương tiện quá khổ, quá tải này cần chốt chặn, xử lý ngay khi xe chưa ra khỏi địa bàn tỉnh mới là biện pháp hữu hiệu nhất, để lập lại trật tự an toàn giao thông.
Đào Minh (Bài dự thi ký, phóng sự)