YênBái – YBĐT – Sau ba năm thực hiện Nghị quyết 25 của HĐND tỉnh Yên Bái về thực hiện chuẩn quốc gia y tế xã giai đoạn 2005 – 2010, đến nay, đã có 87/180 xã phường, chiếm 48% tổng số xã, phường trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia về y tế xã (CQGVYTX), vượt 7,2% tiến độ Nghị quyết đề ra.
Khó có thể kể hết hiệu quả từ việc xây dựng chuẩn đã mang lại cho các địa phương thực hiện nghiêm túc đề án. Từ “khoán trắng” công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cho ngành y tế, sau khi tiến hành xây dựng CQGVYTX, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và người dân đã cùng vào cuộc để cùng ngành y tế triển khai xây dựng chuẩn. Tiêu chí xây dựng chuẩn được đưa vào nghị quyết của cấp ủy Đảng, HĐND, UBND; ban chăm sóc sức khỏe nhân dân (CSSKND) được kiện toàn củng cố, các ngành thành viên như: hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, cựu chiến binh… tích cực tham gia vận động, hỗ trợ, giúp đỡ hội viên thực hiện nếp sống vệ sinh, phòng bệnh chữa bệnh, cải tạo những tập quán lạc hậu, đóng góp nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trạm y tế… Những việc làm đó đã góp phần tạo nền tảng về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường, nhận thức của người dân về phòng chống bệnh, dịch bệnh được nâng lên, được tiếp cận với các dịch vụ y tế tốt hơn…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng chuẩn vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng bàn. Qua kiểm tra 64 xã đã đạt chuẩn trong hai năm 2005 và 2006 thì có tới 21 xã chất lượng chuẩn thấp hơn so với thời điểm mới được công nhận và có tới 5 xã, phường bị “ mất” chuẩn, là: Hoàng Thắng (Văn Yên), Tuy Lộc (TP Yên Bái), Tân Nguyên (Yên Bình), Khai Trung (Lục Yên) và Tân An (thị xã Nghĩa Lộ).
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, có lẽ “bệnh thành tích” vẫn là sự ảnh hưởng đáng kể. Từ lãnh đạo xã tới đội cán bộ y tế và người dân coi việc đạt chuẩn tại địa phương mình là nhiệm vụ đã được hoàn thành nên thỏa mãn, không quan tâm chỉ đạo, củng cố. Yên Bái vốn là tỉnh nghèo, các địa phương trên đều là nơi có nền kinh tế thấp, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, cộng với những phong tục tập quán lạc hậu… thì chỉ cần có tư tưởng xả hơi một chút là những kết quả đạt được sẽ ngay lập tức trở về số “O”. Vì vậy, không khó để thấy cảnh tại một số xã đã đạt chuẩn, cán bộ trạm y tế bê trễ chuyên môn, người dân thì quay lại nếp sống cũ, sinh hoạt mất vệ sinh, có hố xí, nhà tắm nhưng không sử dụng, trâu bò lại buộc dưới gầm sàn…. Vậy mới có chuyện, khi đoàn kiểm tra chuẩn tại một địa phương, nghe báo cáo của UBND xã thì rất hay nhưng khi đến kiểm tra gia đình chính đồng chí lãnh đạo xã vừa báo cáo, vẫn thấy đàn trâu của gia đình buộc dưới gầm sàn, cực kỳ mất vệ sinh. Lãnh đạo còn thế thì người dân thế nào?
Chúng ta đang thực hiện “Hai không” trong ngành giáo dục, có lẽ cũng cần nói không với bệnh thành tích trong xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã. Sau đợt kiểm tra nghiêm túc này, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã và đang xây dựng chuẩn sẽ phải có cái nhìn đúng đắn hơn về CQGVYTX. Không vì chỉ tiêu, kế hoạch, thành tích mà cố gượng ép, cố làm, điều quan trọng nhất là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân lại không thực hiện được. CQGVYTX là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và lâu dài, phải từng bước đi vào thực chất, kết quả đạt được mới mang tính lâu dài và đạt hiệu quả như đúng mục tiêu đề ra.
Nguyễn Đình