Theo Bí thư tỉnh Yên Bái, muốn thay đổi thì phải làm cái mới, phải dám thí điểm. Yên Bái sẵn sàng trở thành tỉnh thí điểm để triển khai các quyết sách mới trong lĩnh vực thông tin truyền thông mà Bộ khởi xướng.
Chiều 30/6, đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn đầu đã có buổi làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Yên Bái. Tại đây, lãnh đạo tỉnh đã chia sẻ nhiều thông tin về địa phương và mong muốn Bộ hỗ trợ để tỉnh có thể ngày một phát triển hơn bằng công nghệ.
Yên Bái muốn trở thành tỉnh thí điểm về chuyển đổi số
Ông Đỗ Đức Duy – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, tính đến cuối năm 2019, tổng số thuê bao điện thoại trên địa bàn tỉnh là gần 850.000, trong đó có tới 830.000 thuê bao di động. Tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 2G, 3G theo dân số tại Yên Bái đạt 100%, 4G đạt 95,43%, xấp xỉ mức trung bình (95,72%) của cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy: “Yên Bái sẵn sàng trở thành tỉnh thí điểm chuyển đổi số”. Ảnh: Báo Yên Bái |
Do đặc điểm địa bình núi cao, hiểm trở, nhiều dân tộc cùng chung sống, tỷ lệ hộ nghèo tại Yên Bái vẫn còn ở mức tương đối cao (khoảng 11%).
Toàn tỉnh chỉ có 58,5% thuê bao sử dụng smartphone/100 dân số, trong khi tỷ lệ cả nước khoảng 80%. Số thuê bao Internet băng rộng cố định vẫn còn ở mức thấp (33,6 thuê bao/100 dân). Tỉnh chưa có dịch vụ khám bệnh từ xa; con số khả quan đến từ ngành giáo dục với hơn 90% học sinh đã tham gia học trực tuyến.
Hiện tại, tỉnh Yên Bái có 2.195 thủ tục hành chính, trong đó cung cấp 469 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tỉnh đã ứng dụng và phát huy hiệu quả tối đa hệ thống hội nghị giao ban điện tử đa phương tiện; phê duyệt Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh giai đoạn 2019 – 2021, định hướng đến năm 2025.
Ông Duy đã đề xuất Bộ TT&TT hỗ trợ tỉnh trong việc chuyển đổi số tại địa phương với tinh thần “sẵn sàng trở thành địa phương thí điểm”.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng và đoàn công tác đã giải quyết các vướng mắc của tỉnh.
Chẳng hạn, hệ thống loa phường xã sẽ từng bước thay bằng hệ thống loa dùng sóng di động thay cho truyền dẫn bằng dây hoặc sóng. Dần thay người đọc bằng phần mềm đọc tự động.
Bộ sẽ cử cán bộ xuống địa phương để hỗ trợ các vấn đề như: Định mức kinh tế kỹ thuật cho sản phẩm truyền hình, báo chí, định mức công nghệ thông tin… Còn Đề án số hoá truyền hình sẽ đảm bảo 17.000 hộ dân có truyền hình số mặt đất.
Bộ cũng sẽ hướng dẫn địa phương đặt hàng báo chí trên địa bàn tỉnh.
Thay đổi hoàn toàn nhận thức về công nghệ
Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư tỉnh uỷ Yên Bái cho biết tỉnh chủ trương phát triển kinh tế xã hội bằng 3 khâu đột phá, trong đó tỉnh đã đi đầu và thành công với những cải cách hành chính thông qua ứng dụng CNTT.
Bà Nguyễn Thị Thanh Trà: “Yên Bái là tỉnh nghèo nhưng làm được một số việc lớn”. Ảnh: Báo Yên Bái |
Quan trọng nhất là thay đổi hoàn toàn nhận thức về thông tin và truyền thông. Do có nhiều việc mới nên tỉnh vừa làm vừa học, đi tận nơi tham khảo học tập các tỉnh khác.
Yên Bái là tỉnh nghèo nhưng làm được một số việc lớn như: Đầu tư tiếp cận chính quyền điện tử, hệ thống hành chính công liên thông đến tận cơ sở. Tỉnh xây dựng đô thị thông minh trên tinh thần “cứ đi rồi sẽ đến”.
Bà Trà cũng cho hay hệ thống tuyên truyền của địa phương được đầu tư mạnh mẽ. Tỉnh quyết tâm đầu tư đài truyền hình đủ tầm khu vực, tiên phong ứng dụng công nghệ mới.
Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái cũng đề nghị Bộ TT&TT kiến nghị quyết liệt với TƯ để có những chính sách cụ thể như hạ tầng số tập trung, thống nhất, đồng bộ, dùng chung; cơ chế chính sách mạnh hơn để hỗ trợ báo chí cách mạng.
Yên Bái sẵn sàng làm điểm, Bộ có thể thí điểm cho các lĩnh vực TT&TT. Muốn thay đổi thì phải làm cái mới, thì phải thí điểm. Yên Bái sẽ có nghị quyết chuyên đề về TT&TT ngay sau Đại hội tới.
Yên Bái giải “bài toán” của mình bằng công nghệ
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ sự bất ngờ với nhận thức và hành động trong lĩnh vực TT&TT của lãnh đạo tỉnh Yên Bái.
Bộ trưởng cũng đặt ra các tiêu chí để tỉnh phấn đấu; chẳng hạn như: Mỗi người dân có 1 điện thoại thông minh; mỗi hộ gia đình có 1 đường cáp quang; 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Bộ sẽ giúp địa phương với các đội phản ứng từ xa hoặc cử cán bộ biệt phái. Ảnh: Báo Yên Bái. |
Bộ trưởng cũng mong muốn tỉnh ký chiến lược chuyển đổi số trong quý III; có hệ thống CNTT được đảm bảo an toàn 4 lớp; các khu công nghiệp được phủ 5G; phát triển 800 doanh nghiệp công nghệ số; chú trọng nền tảng y tế và giáo dục; chú trọng phương tiện truyền thông mới, sử dụng mạng xã hội Việt Nam và nâng cấp hệ thống loa phường.
Trước mắt, mục tiêu đầu tiên mà Yên Bái cần làm là đưa điện lưới tới 100% các thôn, bản; mã địa chỉ bưu chính (Vpostcode) phải đến được 100% các hộ dân; 100% người dân sử dụng smartphone và 100% hộ gia đình có đường truyền cáp quang Internet.
Trong đó, mã địa chỉ bưu chính (Vpostcode) sẽ đóng vai trò quan trọng. Đây là địa chỉ số để hỗ trợ dịch vụ chuyển phát và phát triển thương mại điện tử; giúp người dân tiếp cận với thương mại điện tử, tạo đầu ra mới cho nông sản địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất, lãnh đạo tỉnh cần tích cực sử dụng các công nghệ số, đây là giải pháp hiệu quả nhất để phát triển TT&TT tại địa phương.
Bên cạnh đó là phát triển đội ngũ các doanh nghiệp công nghệ số, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp tư vấn, triển khai công nghệ.
Ngoài ra, tỉnh cần đạt tỷ lệ 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cũng như tạo ra cơ sở dữ liệu mở về du lịch và nông nghiệp và tích hợp nó như một phần của Khung kiến trúc Chính phủ điện tử. ..
Để làm được điều này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn Yên Bái có một Nghị quyết chuyên đề. Bộ TT&TT sẽ giúp tỉnh thông qua cử cán bộ đi biệt phái, các đội phản ứng nhanh hỗ trợ từ xa và tổ chức những khoá học ngắn hạn về TT&TT.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tặng bức tranh lưu niệm “Bác Hồ đọc báo Nhân Dân” cho tỉnh Yên Bái. Ảnh: Báo Yên Bái |
Trước những gợi mở của người đứng đầu ngành TT&TT, bà Phạm Thị Thanh Trà – Bí thư tỉnh ủy Yên Bái cảm ơn đoàn công tác đã giúp tỉnh giải quyết nhiều trăn trở.
Theo bà Trà, trong dự thảo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, hạ tầng số sẽ là một động lực quan trọng trong 3 đột phá nhiệm kỳ tới của địa phương. Yên Bái cũng sẽ có Nghị quyết chuyên đề riêng về TT&TT để sớm giải quyết các bài toán của tỉnh.
“Yên Bái sẵn sàng trở thành tỉnh thí điểm để triển khai các quyết sách mới trong lĩnh vực TT&TT mà Bộ TT&TT khởi xướng”, bà Trà khẳng định.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái đã ký kết biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Ảnh: Báo Yên Bái |
Trọng Đạt – Thanh Thiên
Bộ Y tế và Bộ TT&TT hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến mức 4
Bộ Y tế và Bộ TT&TT là hai bộ đầu tiên hoàn thành việc đưa tất cả dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của mình lên cung cấp trực tuyến mức độ 4, mức độ cao nhất được thực hiện hoàn toàn qua mạng.