YBĐT – Với tiềm năng, thế mạnh của một tỉnh miền núi, thời gian qua, sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn Yên Bái được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo đã có sự phát triển.
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, diện tích rừng trồng mới trên phạm vi toàn tỉnh đã đạt trên 8.680 ha, bằng 57,8% kế hoạch, tăng 26,77% so với cùng kỳ; trong đó: diện tích rừng tập trung đạt 7.862 ha, bằng 52,41% kế hoạch, tăng 14,82% so với cùng kỳ năm trước. Đã chăm sóc trên 14.100 ha rừng trồng, 1,2 triệu cây phân tán trồng mới, khối lượng gỗ khai thác đạt 155.000m3 (gỗ nguyên liệu giấy đạt 105.000m3).
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ và phát triển rừng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, kiểm lâm đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện nơi có rừng đã có nhiều nỗ lực.
Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng vi phạm pháp luật bảo vệ rừng chưa được giảm thiểu; hiện tượng chặt phá, gây cháy rừng làm thiệt hại lớn về kinh tế vẫn diễn ra. Theo thống kê của ngành kiểm lâm, tính đến hết tháng 6/2012, toàn tỉnh phát hiện 129 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó 66 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, 35 vụ chế biến, cất giữ lâm sản trái phép, 11 vụ phát nương rẫy trái phép… Qua kiểm tra, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và tịch thu trên 46 m3 gỗ các loại, tổng số tiền thu nộp ngân sách gần 400 triệu đồng.
Chắc chắn đây chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi” vì cùng với hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép, tình trạng đốt nương làm rẫy của đồng bào vùng cao cũng gây nhiều khó khăn cho lực lượng giữ rừng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy rừng: huyện Mù Cang Chải 2 vụ, Trạm Tấu 6 vụ, Văn Yên 4 vụ, diện tích bị thiệt hại trên 22 ha.
Đặc biệt là số vụ cháy và diện tích cháy gia tăng (tăng 7 vụ so với cùng kỳ 2011, diện tích rừng bị cháy tăng 18,4 ha so với cùng kỳ). Nghiêm trọng hơn là tình trạng chặt phá rừng trồng bằng vốn ngân sách Nhà nước, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ để lấy đất sản xuất, lấn chiếm đất rừng trái phép nổi lên ở nhiều nơi.
Nguyên nhân chính do các ngành, chính quyền địa phương nơi có rừng chưa thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, chưa phối hợp đồng bộ trong việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch lâm nghiệp còn nhiều vướng mắc, chậm tháo gỡ; thu nhập của người dân từ trồng cây, trồng rừng và làm nghề rừng còn thấp, chưa ổn định…
Hiện nay đang vào mùa nắng nóng, nền nhiệt cao dễ gây ra cháy rừng, cũng là thời điểm gia tăng các loại hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Để quản lý, bảo vệ tốt vốn rừng hiện có phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, các địa phương có rừng cần tiếp tục xây dựng, củng cố và kiện toàn ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng từ huyện đến cơ sở.
Đồng thời rà soát, xây dựng phương án bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng cụ thể gắn với địa bàn và chính quyền cơ sở, xác định rõ các khu vực trọng điểm nguy cơ cao để có biện pháp chủ động ứng phó phù hợp; thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng chặt chẽ từ cơ sở, kiểm soát khâu lưu thông và cơ sở chế biến lâm sản, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân, các chủ rừng thực hiện nghiêm pháp luật bảo vệ rừng.
Lực lượng kiểm lâm phải gắn kết với chính quyền cơ sở để thực hiện hiệu quả các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng tận gốc đồng thời bảo đảm kế hoạch trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán năm 2012.
Quang Thiều