YBĐT – Tết Nguyên đán đã đến rất gần. Mặc dù ngành quản lý đã có những động thái để chỉ đạo và các đơn vị kinh doanh vận tải cam kết phục vụ vận tải hành khách tết này một cách tốt nhất. Tuy nhiên, nỗi lo mất an toàn cũng như tình trạng hành khách bị chèn ép trong thời điểm quá tải vẫn có thể diễn ra.
Dù không “nóng” như các tỉnh, thành khác và mặc dù số lượng, chất lượng vận tải hành khách đã nâng lên (Yên Bái có khoảng trên 200 đầu xe vận tải chạy các tuyến, trong đó gần 20 tuyến chạy liên tỉnh và gần chục tuyến nội tỉnh) song, qua theo dõi hàng năm, nhu cầu đi lại của nhân dân dịp tết, đặc biệt khi lượng học sinh, sinh viên ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thái Nguyên… về quê ăn tết cũng như xuống trường nhập học tăng đột biến, gấp vài chục phần trăm so với ngày thường, dẫn đến “cung không đủ cầu” thì nỗi lo đó sẽ trở thành sự thật.
Nhu cầu đi lại cộng tâm lý khách “chịu khổ một chút để về nhà ăn tết”, thông cảm với nhà xe “chỉ kiếm ăn mỗi dịp này” dẫn đến các nhà xe sẽ bất chấp sự kiểm soát của cơ quan chức năng thực hiện triệt để việc nhồi nhét khách và tăng chuyến (mặc dù không được phép)…
Đây chính là nguyên nhân gây ra mất an toàn trên các chuyến xe.
Cùng với việc tăng công suất sử dụng xe, dù đã cam kết nhưng giá vé cũng bị thổi mạnh. Cụ thể, năm trước, tuyến Mỹ Đình – Yên Bái và ngược lại, giá vé là 100 ngàn đã tăng lên 200 ngàn đồng; vào thời điểm cận tết, giá có thể gấp 3 lần ngày thường. Hành khách biết nhưng cũng đành chấp nhận. Bên cạnh đó, còn là thái độ của lái, phụ xe đối với hành khách.
Tết Nguyên đán này, các doanh nghiệp vận tải như: Công ty cổ phần Vận tải thuỷ bộ Yên Bái, Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Hải Phượng, HTX Vận tải Quyết Tiến… đều cam kết đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ được trang bị phù hiệu và được tuyên truyền thực hiện tốt “6 không” trong dịp tết là: không chở quá số người quy định; không uống rượu bia và các chất kích thích khi tham gia các hoạt động vận tải; không chạy quá tốc độ cho phép; không chạy “rùa”, chạy vòng vo đón khách; không chở các loại hàng hoá Nhà nước cấm vận chuyển và không để khách hàng kêu ca về thái độ phục vụ… và có phương án bố trí xe dự phòng để tăng chuyến khi cần thiết.
Tuy nhiên, để những cam kết này được thực thi, việc các cơ quan chức năng thực hiện tốt sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tổng cục VII về vận tải dịp tết và kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) của Ban ATGT tỉnh thực sự cần thiết, quyết định đến đảm bảo an toàn cũng như giữ gìn văn minh trong lĩnh vực vận tải hành khách.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm đường thông hè thoáng, chống tái lấn chiếm hành lang, họp chợ trên đường; kiểm tra việc chuẩn bị bến bãi theo đúng qui định; nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện, kiên quyết không cho lưu hành các loại phương tiện không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường; tích cực tuần tra, kiểm soát phát hiện xử lý kịp thời và nghiêm mọi trường hợp vi phạm trong lĩnh vực vận tải hành khách, đặc biệt là những lỗi: chở người quá qui định, phóng nhanh vượt ẩu, chèn ép khách, không đúng nốt, đúng tuyến, tăng vé và có thái độ thiếu văn minh với hành khách.
Nguyễn Đình