YênBái – YBĐT – Dù đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi nhưng theo đánh giá quá trình thực hiện CQGVYTX, nhưng đối với tỉnh Yên Bái trong 10 chuẩn thì chuẩn vệ sinh môi trường luôn là chuẩn khó thực hiện nhất.
Sau ba năm nỗ lực phấn đấu, đến nay, Yên Bái đã có 87 xã phường, chiếm 48,3% tổng số xã phường trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia về y tế xã (CQGVYTX). Đây là kết quả đáng mừng trong việc bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới và củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở như tinh thần Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 96-CT/TM của Ban Bí thư trung ương Đảng khoá IX.
Dù đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi nhưng theo đánh giá quá trình thực hiện CQGVYTX tại cơ sở, trong 10 chuẩn thì chuẩn vệ sinh môi trường luôn là chuẩn khó thực hiện nhất. Tại các xã đã đạt chuẩn, chuẩn vệ sinh môi trường bao giờ cũng đạt thấp nhất (65,3%). Vì vậy, theo số liệu thống kê hiện nay tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn dùng nước nước sạch mới đạt 59%; tỷ lệ số hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh và xử lý phân gia súc hợp vệ sinh mới đạt 26%.
Đây chính là nguyên nhân tác động đến sức khoẻ con người, là yếu tố để bệnh tật có cơ hội phát triển. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do là tỉnh miền núi kinh tế chậm phát triển, đặc biệt tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, người dân vẫn tồn tại nhiều tập quán, thói quen lạc hậu…
Có nguyên nhân chủ quan mang tính quyết định đó là: sự vào cuộc, sự quyết tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong vấn đề này chưa cao. Thậm chí, nhiều nơi cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành địa phương chưa vào cuộc, chưa có những biện pháp cùng nhân dân tháo gỡ vấn đề này nên việc người dân chưa có thay đổi nhiều về vệ sinh môi trường.
Thực tế đã chứng minh tại nhiều xã, mặc dù điều kiện kinh tế chậm phát triển, đời sống người dân còn gặp khó khăn nhưng khi cấp uỷ, chính quyền cơ sở có những cách làm hay, sáng tạo thì vấn đề vệ sinh môi trường vẫn được giải quyết.
Những năm trước đây do chưa có đầu mối thu gom rác thải nên vấn đề ô nhiễm môi trường ở xã Nga Quán và Minh Quán (Trấn Yên) luôn là nỗi bức xúc của người dân, vì các hộ dân trong xã tự do đổ rác nơi công cộng gây mất vệ sinh chung. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền hai xã đã thuê thu gom và hợp đồng xe chở rác bằng nguồn kinh phí của địa phương, do vậy, vấn đề rác thải đã được giải quyết, môi trường sống của người dân đã tốt hơn trước.
Tương tự, tại xã Viễn Sơn (Văn Yên) và An Lạc ( Lục Yên) nơi tập trung sinh sống của đồng bào Dao, Tày, do điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn cộng với tập quán sinh hoạt cũ lạc hậu mà nhiều gia đình trong xã không có công trình vệ sinh. Để bà con làm và sử dụng công trình vệ sinh, cùng với việc tuyên truyền vận động để người dân hiểu rõ tác hại khi không có công trình vệ sinh, chính quyền hai xã đã cho nhân dân vay vốn để xây dựng công trình.
Từ khi các hộ dân có công trình vệ sinh, môi trường sống của từng người dân trong xã cũng đã tốt lên. Hay tại xã vùng cao La Pán Tẩn, Nậm Có ( huyện Mù Cang Chải), nơi tập trung đồng bào Mông sinh sống, bà con có thói quen làm chuồng gia súc ngay gần nhà, rất mất vệ sinh. Để bà con rời chuồng gia súc ra xa nhà, chính quyền hai xã đã huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia vận động nhân dân.
Từ khi vận động rời chuồng gia súc khỏi nhà, môi trường sống của bà con cũng đã tốt lên… Có thể nói, sự kết hợp hài hoà giữa đầu tư của Nhà nước và sự chủ động, những hành động cụ thể của cấp uỷ Đảng, chính quyền và người dân địa phương đã đem lại hiệu quả tức thì. Các địa phương đạt được CQGVYTX và quan trọng hơn môi trường sống được cải thiện, người dân có cơ hội được chăm sóc sức khoẻ một cách tốt hơn. Vì vậy, mọi vấn đề trong đó có vấn đề vệ sinh môi trường sẽ được quyết định ngay tại cơ sở khi cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể nơi đó bắt tay vào cuộc.
Nguyễn Đình