YênBái – Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ người bị chó cắn gây hậu quả nghiêm trọng tại nhiều địa phương trong nước đã khiến cho người dân vô cùng hoang mang, lo lắng.
Ngày 4/4, một bé trai 7 tuổi ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên bị đàn chó tấn công dẫn đến tử vong; ngày 6/4, một gia đình tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình bị chó cắn khiến cả cha và con tử vong vì bệnh dại. Rồi ngày 9/4, thêm một cháu bé 11 tuổi ở Mường La, tỉnh Sơn La tử vong vì bị chó dại cắn… Đây là dấu hiệu cảnh báo “mùa” bùng phát bệnh dại đang hoành hành.
Riêng tại tỉnh Yên Bái, từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phát hiện 1.677 ca phơi nhiễm bệnh dại, tổ chức tiêm phòng cho 1.676 ca, (1 trường hợp không tiêm). Trong số 1.677 ca phơi nhiễm thì đã có một trường hợp ở huyện Yên Bình tử vong vì bệnh dại. Nguyên nhân tử vong do nạn nhân chủ quan không tiêm phòng khi bị chó cắn, khi phát bệnh thì không thể cứu chữa.
Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân bùng phát các ca phơi nhiễm và mắc bệnh dại là tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo tại một số địa phương còn thấp nên không khống chế được bệnh dại. Cùng với đó, người dân còn chủ quan, lơ là; nhận thức về bệnh dại rất hạn chế dẫn đến khi bị chó, mèo cắn không đi khám, tư vấn y tế để được tiêm phòng vắc-xin.
Là tỉnh miền núi, đất rộng nên tập quán nuôi chó, mèo để giữ nhà của người dân vẫn còn, một số gia đình nuôi với số lượng lớn đều là nuôi thả rông, không đeo rọ mõm. Nhiều gia đình ở vùng đồi núi cao, xa khu vực trung tâm hầu như không hiểu biết về bệnh dại, cũng không thể hỗ trợ lực lượng chức năng quản lý và tổ chức tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo hàng năm.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm, có tỷ lệ tử vong cao. Thời gian ủ bệnh từ 1 đến 3 tháng. Dấu hiệu người mắc bệnh dại thường có biểu hiện: nấc, khó thở, sợ nước, sợ tiếng động và tinh thần hoảng loạn; máu của người nhiễm bệnh hoặc động vật bị bệnh có thể lây nhiễm qua các vết thương hở của người khỏe mạnh…
Để có thể ngăn ngừa và khống chế được bệnh dại hơn bao giờ hết mỗi người dân hãy nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong công tác phòng chống. Cùng với đó, là sự vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng để kiểm soát đàn chó, mèo và loại trừ bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi thông qua việc tiêm phòng vắc-xin; duy trì tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cho đàn chó, mèo, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn.
Ngành chức năng tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại cho cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh dại, đặc biệt lưu tâm đến khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là khi bị chó, mèo cắn, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm phòng, tuyệt đối không sử dụng thuốc nam…
Các cơ sở y tế cần đảm bảo đầy đủ về nhân lực, vắc-xin, huyết thanh, đáp ứng việc phòng ngừa, điều trị cho người dân khi bị chó, mèo nghi dại cắn…
Hoài Văn