YênBái – Chống lạm thu là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành giáo dục đặt ra và yêu cầu các trường phải thực hiện nghiêm túc. Thế nhưng, vấn đề này vẫn “nóng” mỗi khi bước vào năm học mới.
Những năm gần đây, kinh phí đầu tư cho giáo dục đã được nâng lên, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Việc phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy luôn là mong muốn của tất cả phụ huynh và các nhà trường.
Để thực hiện được điều đó, các trường học đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự đóng góp từ nhiều nguồn lực. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều khoản thu theo hình thức “tự nguyện” hay “xã hội hóa” lại khiến các bậc phụ huynh cảm thấy không hài lòng, bởi đã là “tự nguyện” thì không được bình quân hóa, định ra một mức “sàn”.
Điều đáng nói là danh mục các khoản thu mỗi năm lại được bổ sung và đôi khi lại có các khoản chồng chéo. Cụ thể như đã có khoản tiền mua đồ dùng, đồ chơi, lại có khoản thu hỗ trợ trang trí lớp học; đã có khoản xã hội hóa giáo dục lại có thêm khoản hỗ trợ mua máy chiếu, xây dựng khuôn viên, làm mái che sân trường…
Được biết, nhiều năm qua, hầu hết các trường học đều thu tiền xã hội hóa giáo dục, trường ít thì từ 200.000 – 300.000 đồng, nhiều thì 500.000 – 1 triệu đồng/học sinh. Điều này khiến không ít phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn phải gồng mình để đóng góp.
Để chống lạm thu, từ đầu năm học 2021 – 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã yêu cầu các trường công khai các khoản thu, chi đầu năm học theo đúng quy định tại Nghị quyết số 58/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 về việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 38/2016/NQ-HĐND ngày 26/8/2016 của HĐND tỉnh Yên Bái quy định mức thu phí hàng năm đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm 2016 – 2017 đến năm học 2020 – 2021 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến hết năm học 2021 – 2022 và Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND, ngày 17/7/2021 quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ năm học 2021 – 2022.
Đối với việc thu, chi dưới danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc kêu gọi đóng góp tự nguyện, các trường phải thực hiện theo đúng Thông tư 55/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các ban, ngành liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các khoản thu, chi tại các cơ sở giáo dục.
Các trường học cần tổ chức quán triệt và phổ biến tới toàn thể cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh các văn bản chỉ đạo thu, chi; phải niêm yết công khai và gửi thông tin trực tiếp những khoản thu theo quy định hiện hành ngay từ đầu năm học.
Như vậy để mỗi phụ huynh đều nắm được và có ý thức về quyền lợi, trách nhiệm của mình. Các địa phương, ban, ngành liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về niêm yết, công khai thông tin giá vật tư, thiết bị giáo dục, sách giáo khoa trên địa bàn.
Về phía phụ huynh, không nên cả nể, cần nói không với các khoản thu không hợp lệ; hội phụ huynh cần giám sát việc thu, chi của nhà trường và kịp thời phản ánh về những khoản thu bất thường, ngoài quy định với các ngành chức năng.
Hồng Duyên