YBĐT – Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong từng cộng đồng còn bảo lưu rất nhiều nét văn hóa đặc sắc nên dịp đầu xuân, trên địa bàn tỉnh Yên Bái thường diễn ra khoảng 20 điểm lễ hội.
Trong những năm qua, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đã được đặc biệt quan tâm. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội ngày càng đi vào nền nếp. Lễ hội được tổ chức đảm bảo không khí trang nghiêm trong phần lễ, vui tươi lành mạnh trong phần hội. Lễ hội được nâng tầm so với trước và phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương.
Lễ hội được phục dựng theo hướng bảo lưu các yếu tố tích cực của lễ hội truyền thống, kết hợp với một số yếu tố mới để phù hợp với yêu cầu của văn hóa trong giai đoạn hiện nay, đã phát huy được các tiềm năng, thế mạnh của văn hóa để phục vụ cho việc phát triển du lịch, dịch vụ và đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, giải trí của nhân dân địa phương và du khách gần xa.
Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong từng cộng đồng còn bảo lưu rất nhiều nét văn hóa đặc sắc nên dịp đầu xuân, trên địa bàn tỉnh Yên Bái thường diễn ra khoảng 20 điểm lễ hội. Tiêu biểu như: Lễ hội đền Đông Cuông, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên; Lễ hội đền Thác Bà, huyện Yên Bình; Lễ hội đền Đại Cại, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên; Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc người Tày, xã Thượng Bằng La… Việc tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Các địa phương đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo củng cố kiện toàn ban tổ chức, ban quản lý lễ hội ở các đình, đền, chùa, chỉ đạo sửa sang đường sá, khuôn viên, vệ sinh môi trường, công tác an ninh trật tự để phục vụ tốt lễ hội. Tiêu biểu cho công tác tổ chức lễ hội là huyện Văn Yên, thành phố Yên Bái, huyện Văn Chấn, Trấn Yên.
Phát huy kết quả đã đạt được, để mùa lễ hội Xuân Mậu Tuất 2018 diễn ra vui tươi, phấn khởi, an toàn các cấp, các ngành cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lễ hội bằng các hình thức, nội dung phong phú đảm bảo đúng các quy định của Nhà nước, góp phần giáo dục nhân dân địa phương và du khách tham gia lễ hội chấp hành mọi nội quy, quy chế lễ hội; ý thức giữ gìn tôn nghiêm nơi thờ tự, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự công cộng; đồng thời góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, giới thiệu các giá trị của lễ hội.
Nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; chống mọi biểu hiện lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo, tâm linh để hành nghề mê tín, dị đoan, truyền bá văn hóa phẩm độc hại. Kiên quyết loại bỏ các hình thức bạo lực, phản cảm tại các lễ hội.
Đặc biệt, không tổ chức và đề xuất cấp phép tổ chức hội chọi trâu. Các ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện cơ sở vật chất, bảo đảm công tác an ninh, trật tự và an toàn vệ sinh thực phẩm, bổ sung các bảng, biển hướng dẫn du khách chấp hành các quy định thực hiện nếp sống văn minh để nâng cao ý thức của người tham gia lễ hội; rà soát hệ thống trang thiết bị phòng, chống cháy nổ và công tác phòng, chống cháy nổ tại các di tích, không cho du khách đốt vàng mã, thắp hương trong nội thất các công trình thuộc di tích để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các di tích. Tăng cường quản lý các cổ vật quý hiếm, có giá trị ở các di tích; việc tiếp nhận các hiện vật cung tiến của nhân dân vào các di tích phải tuân thủ theo đúng quy định của Nhà nước.
Ngoài yêu cầu, giám sát điều hành chương trình lễ hội đảm bảo đúng nội dung đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, việc tổ chức các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong khu vực lễ hội phải có nội dung lành mạnh, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội, đảm bảo vui tươi, lành mạnh, mang đậm bản sắc văn hoá, dân tộc, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá các dân tộc của các địa phương.
Thành Trung