YênBái – Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Yên Bái, trận mưa đá, dông lốc ngày 2/3, toàn tỉnh có 5 người bị thương, gần 3.500 ngôi nhà bị thiệt hại, hàng trăm héc-ta lúa, hoa màu bị ảnh hưởng; ước tính giá trị thiệt hại khoảng 19 tỷ đồng.
Với sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự tích cực của cộng đồng dân cư, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và các địa phương, các ngành chức năng đã chỉ đạo, huy động lực lượng tại chỗ khẩn trương giúp đỡ các hộ khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống.
Cùng đó, các địa phương đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền từ việc dự báo, thông báo, cảnh báo diễn biến của thời tiết cũng như thông tin thường xuyên, liên tục, kịp thời về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục hậu quả thiên tai; đưa tin, phản ánh kịp thời, sâu rộng về các hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai trên các phương tiện thông tin truyền thông; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong chủ động phòng, chống ứng phó với thiên tai…
Bên cạnh đó, để chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thiên tai, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện tốt thông tin, dự báo, cảnh báo tình hình thiên tai để các địa phương, đơn vị, nhân dân chủ động phòng, tránh giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra.
Cùng với kiện toàn ban chỉ huy PCTT – TKCN các cấp là việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, đôn đốc, kiểm tra các ngành, địa phương lập và thực hiện các phương án, kế hoạch về PCTT năm 2020; nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu; kịp thời triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó hiệu quả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.
Trên cơ sở các loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai thường xảy ra tại địa phương, rà soát, xây dựng phương án ứng phó với thiên tai sát với thực tế; tiếp tục chỉ đạo việc diễn tập PCTT cấp xã, phường nhằm nâng cao khả năng, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức hiệp đồng sử dụng phương tiện, lực lượng cho nhiệm vụ PCTT-TKCN.
Chú trọng huấn luyện nâng cao kỹ năng thực hành TKCN cho cán bộ, lực lượng dân quân ở các xã, phường, thị trấn và các đơn vị tự vệ; tập huấn nâng cao kỹ năng điều khiển các phương tiện, kỹ năng vận hành các trang, thiết bị phục vụ nhiệm vụ TKCN cho lực lượng vũ trang…
Tuy nhiên, những tổn thất do thiên tai gây ra vẫn còn rất lớn, nhất là về kinh tế. Bên cạnh yếu tố bất thường của thiên tai, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng chưa cao. Một trong những nguyên nhân gây ra thiệt hại lớn là do nhận thức của các cấp chính quyền còn hạn chế, bất cập, chủ yếu tập trung cho hoạt động ứng phó, chưa quan tâm đúng mức với phòng ngừa và khắc phục hậu quả.
Ý thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp về tác động nguy hiểm của thiên tai còn chưa cao trong quá trình sản xuất, sinh hoạt; một bộ phận người dân còn chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó với thiên tai…
Vì vậy, trước những thách thức và yêu cầu mới trong PCTT, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, những người làm công tác PCTT. Đẩy mạnh hỗ trợ, phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCTT, xác định các rủi ro thiên tai và giải pháp ứng phó phù hợp cho từng nhóm cộng đồng người dân và khu vực. Tiếp thu, nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ thông tin, các công cụ hỗ trợ cho người dân.
Cùng đó, cần phát huy, nhân rộng các bài học tốt trong cộng đồng người dân; trong đó, có các giải pháp truyền thống và giáo dục qua các hình ảnh, tư liệu, sự kiện thiên tai lịch sử. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần rà soát, sửa đổi, ban hành các chính sách, các quy định để tăng sự chủ động tham gia, tăng cường khả năng chống chịu cho cộng đồng, người dân.
Thanh Tân