YênBái – Lợi dụng hiệu ứng lan tỏa của Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, một số đối tượng còn dùng thủ đoạn nhập lậu hàng hóa từ nước ngoài, gắn mác hàng các thương hiệu trong nước để đánh lừa người tiêu dùng. Nguy hiểm hơn, xuất hiện tình trạng người nước ngoài trực tiếp làm giả hàng Việt Nam hoặc núp bóng xuất xứ hàng Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba.
Nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang có chiều hướng gia tăng và dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế đang trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, thủ đoạn xảo quyệt hơn.
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thu nộp ngân sách hơn 19 tỷ đồng.
Mặc dù lực lượng chức năng tích cực ngăn chặn nhưng hiện nay, bán hàng giả, hàng nhái có mặt ở hầu hết các phân khúc của thị trường, từ quầy hàng tạp hóa, các phiên chợ vùng sâu, vùng xa, đến cả hệ thống siêu thị hiện đại,…
Đáng chú ý, lợi dụng hiệu ứng lan tỏa của Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, một số đối tượng còn dùng thủ đoạn nhập lậu hàng hóa từ nước ngoài, gắn mác hàng các thương hiệu trong nước để đánh lừa người tiêu dùng.
Nguy hiểm hơn, xuất hiện tình trạng người nước ngoài trực tiếp làm giả hàng Việt Nam hoặc núp bóng xuất xứ hàng Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba.
Điều này làm ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp, thiệt hại cho người tiêu dùng và môi trường đầu tư, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác ngăn chặn, phát hiện và bắt giữ. Nguyên nhân khiến hàng ngoại giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng do việc xử lý hành vi vi phạm thiếu những chế tài xử lý thích đáng, tạo ra “lỗ hổng” pháp lý để các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái lợi dụng.
Ngoài ra, cơ chế pháp luật cũng chưa bảo đảm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào cuộc đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng nhái. Thủ tục khiếu nại, tố cáo sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái của người tiêu dùng, nhà sản xuất, kinh doanh khi phát hiện những hành vi xâm phạm còn phiền hà, tốn kém thời gian và tiền bạc,…
Có thể thấy, tất cả những hạn chế, nguyên nhân kéo dài trong nhiều năm đã khiến nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng trở nên phức tạp, nghiêm trọng, khó có thể khắc phục ngay trong một sớm một chiều. Vì vậy, để ngăn chặn, khống chế vấn nạn này, cần có sự phối hợp của toàn xã hội, thiết lập cầu nối giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp với người tiêu dùng và cần tuyên truyền rộng rãi, mạnh mẽ để toàn xã hội nói không với hàng giả, hàng nhái.
Về phía doanh nghiệp, cần có ý thức bảo vệ thương hiệu, uy tín của mình, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng, với cộng đồng xã hội bảo vệ thương hiệu của mình. Đối với các hộ kinh doanh, kiên quyết không nhập nguồn hàng trôi nổi, không có nguồn gốc, xuất xứ để tránh tiếp tay cho các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái có “đất” lộng hành.
Người tiêu dùng khi mua hàng hóa, sản phẩm phải yêu cầu người bán cung cấp các thông tin liên quan đến nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm, không vì ham giá rẻ mà mua những sản phẩm giả kém chất lượng. Nếu phát hiện các trường hợp bất thường, cần liên hệ với cơ quan chức năng có thẩm quyền để được bảo vệ quyền lợi chính đáng.
K.T