YBĐT – Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) nhưng thực trạng này vẫn đang diễn biến phức tạp gây ra nhiều hệ lụy đến chất lượng dân số và cuộc sống của người dân.
Thực hiện Quyết định số 498 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT giai đoạn 2015 – 2025” nhằm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số; phấn đấu mỗi năm giảm bình quân 2 – 3% số cặp tảo hôn và 3 – 5% số cặp kết hôn cận huyết thống để đến năm 2025 phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng TH&HNCHT trong vùng dân tộc thiểu số, tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 30/8/2016 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án với nhiều mô hình điểm, mô hình can thiệp sớm, nhiều kế hoạch tuyên truyền và đặc biệt là phát nhiều tài liệu bằng các tiếng dân tộc như: Thái, Mông, Dao về phòng, chống TH&HNCHT cho xã thực hiện mô hình điểm và các huyện trên địa bàn tỉnh…
Tuy nhiên, theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, sau 2 năm thực hiện Đề án, giai đoạn 2011 – 2015, toàn tỉnh vẫn có 876 cặp tảo hôn, trong đó có 13 cặp HNCHT; năm 2015 – 2016 có 400 cặp mỗi năm; 9 tháng của năm 2017 có 127 cặp TH&HNCHT, dự báo những tháng cuối năm sẽ “bùng phát” tình trạng TH&HNCHT vì bước vào “mùa cưới hỏi”.
Nguyên nhân, tình trạng TH&HNCHT chủ yếu xảy ra trong đồng bào dân tộc thiểu số, những “vùng lõm” về trình độ dân trí và kinh tế… do xuất phát từ cách suy nghĩ, thói quen của đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Do phong tục nhiều nơi còn lạc hậu, trình độ dân trí chưa cao, đồng nghĩa với sự hiểu biết về pháp luật cũng như hiểu biết về hậu quả của việc TH&HNCHT đang còn rất hạn chế.
TH&HNCHT gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình và xã hội. Nhiều trẻ chưa hoàn thiện về giải phẫu, sinh lý, tâm lý đã bị ép buộc phải trở thành cha mẹ. Tảo hôn làm suy giảm số lượng và chất lượng dân số. Theo một số nghiên cứu tại vùng có người TH&HNCHT thì tuổi thọ trung bình chỉ xấp xỉ 45 tuổi. Tảo hôn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em gái tuổi từ 15 đến 18.
Để giải quyết được tình trạng này, trước hết cần phải khắc phục được tình trạng đói nghèo, lạc hậu, bất bình đẳng giới, bất bình đẳng xã hội, phân biệt đối xử giữa các vùng miền; đồng thời, phải nâng cao được dân trí cho toàn xã hội.
Các địa phương cần tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân gia đình, TH&HNCHT cũng như làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra.
Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, dần dần thay đổi được hành vi, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng TH&HNCHT. Chính quyền các cấp cũng cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên, cộng tác viên dân số ở cơ sở…
Đồng thời, xây dựng một chế tài đủ mạnh để răn đe các trường hợp vi phạm, nêu gương cho cộng đồng, bởi trên thực tế, vì nhiều lý do, chính quyền ở cơ sở vẫn còn dễ dãi với người vi phạm nên đã tạo ra tâm lý xem nhẹ pháp luật trong một bộ phận người dân.
Văn Dương