YênBái – Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2023, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tỉnh Yên Bái đã tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm…
Nhờ đó, các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là dịp đầu xuân năm mới Quý Mão được tổ chức tương đối nề nếp, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân.
Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để lễ hội đầu năm diễn ra bảo đảm an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.
Cùng đó, cần tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân nội dung Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Tuyên truyền thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật lao động, tuyệt đối không đi lễ trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về nguồn gốc, quy trình thực hành và giá trị của lễ hội, danh thắng, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Vận động nhân dân hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm không phô trương, hình thức, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Đặc biệt, không để các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép, các nghi lễ có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan… diễn ra trong lễ hội. Bên cạnh đó, cần bố trí khu dịch vụ đảm bảo thuận tiện, không gây cản trở, ùn tắc giao thông; niêm yết giá, bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá….
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định của cơ quan chức năng. Có phương án bố trí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thu gom rác thải hợp lý, thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong tổ chức lễ hội.
Các địa phương phối hợp với Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tăng cường kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các lễ hội vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín, dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.
Hồng Duyên