YBĐT – Làm theo lời Bác và noi theo tấm gương đạo đức của Bác, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, 70 năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc công tác đền ơn, đáp nghĩa, ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sỹ, thương binh và người có công với cách mạng.
Cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất và quyết định lấy ngày 27/7 là Ngày Thương binh toàn quốc. Trong lời kêu gọi nhân Ngày Thương binh toàn quốc (từ năm 1955 đổi thành Ngày Thương binh – Liệt sỹ), Người viết: “Thương binh và tử sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào. Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ phải tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sỹ…”. Từ đó, cứ đến ngày 27/7 hàng năm, Người đều gửi thư thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ.
Làm theo lời Bác và noi theo tấm gương đạo đức của Bác, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, 70 năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc công tác đền ơn, đáp nghĩa, ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sỹ, thương binh và người có công với cách mạng.
Các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và gia đình tiếp tục được hoàn thiện và thực hiện có kết quả. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, chỉnh trang nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sỹ được quan tâm triển khai liên tục, rộng khắp.
Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, có hiệu quả thiết thực, đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của nhân dân. Tại Yên Bái, toàn tỉnh hiện quản lý trên 67.000 đối tượng chính sách, người có công. Trong đó, có trên 5.000 hồ sơ liệt sỹ, trên 4.000 thương binh, 1.285 bệnh binh, 1.348 người hưởng chế độ chất độc hóa học, trên 53.000 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương; 267 Mẹ Việt Nam anh hùng.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đặc biệt quan tâm, chú trọng, làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách với người có công, thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách và người có công trên địa bàn.
Đền ơn, đáp nghĩa đã trở thành một phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, tích cực, chủ động tham gia với các hoạt động phụng dưỡng, chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng mới và sửa chữa nhà tình nghĩa và trợ cấp, hỗ trợ thường xuyên các gia đình chính sách…
Bằng các nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh, thành phố, huyện, xã, thị trấn và đóng góp của nhân dân, toàn tỉnh đã nâng cấp hàng nghìn mộ liệt sỹ, chỉnh trang nghĩa trang liệt sỹ, nhà bia ngày một khang trang hơn; xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng… đem lại điều kiện sống ngày càng tốt hơn tới các gia đình chính sách, đồng thời mang đến ngọn lửa ấm của nghĩa tình, của sự biết ơn và kính trọng đối với sự hy sinh vô giá của các anh hùng liệt sỹ vì nền độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
Công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” không chỉ là tình cảm mà là trách nhiệm của cả cộng đồng và toàn xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ đối với liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng.
Sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con cháu mai sau. Chính vì vậy, việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.
Thu Hiền